Tầm nhìn chiến lược và sự trung thành trong cam kết khách hàng đã làm nên sức mạnh của FedEx
|
Phương châm hoạt động của hãng đã và đang đem đến những thành công bên cạnh vị thế người dẫn đầu thị trường được xây dựng trong suốt 40 năm qua.
Khởi đầu từ may mắn
Hãng vận chuyển Liên bang - Federal Express là tên đầy đủ của FedEx, thành lập tháng 3/1973, với tổng tài sản bao gồm gần 100 nhân công, 23 chiếc máy bay (trong đó chỉ có 10 chiếc có thể chuyên chở hàng hóa), một nhà xưởng đổ nát. Nhà sáng lập Frederick W. Smith đã liều đem toàn bộ gia tài cá nhân làm tín chấp với ngân hàng để vay vốn hoạt động kinh doanh.
Khác với những người khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, toàn bộ gia sản thừa kế của Fred Smith có giá trị tới 4 triệu USD, do đó, không ít người cho rằng ông bị khùng khi liều lĩnh đến vậy.
Fred Smith đã tự mình bay đến New York để gặp gỡ các nhà đầu tư và kêu gọi góp vốn lên tới 80 triệu USD. May mắn khi rất nhiều người trong số họ đã nhìn ra tương lai sáng lạn của ngành chuyển phát nhanh trong tương lai và sẵn sàng mạo hiểm cùng cựu binh Smith.
Chỉ trong vòng nửa tháng bắt đầu hoạt động, đã có tới 3.000 kiện hàng được đăng ký sử dụng dịch vụ của FedEx. Tuy nhiên, lượng máy bay vốn có của FedEx chỉ có thể chứa tối đa là là 300 kiện hàng/chiếc. Sẽ là vô cùng rủi ro và tốn kém nếu FedEx không đáp ứng được 3.000 đơn đặt hàng.
Giải pháp cuối cùng mà Fred Smith cùng các cộng sự thực hiện đó là xác nhận lại từng đơn đặt hàng. Và số đơn đặt hàng vận chuyển của FedEx được rà soát lại chỉ còn hơn 50%. Nhờ vậy FedEx cân bằng lại công suất chuyên chở và vượt qua khó khăn ban đầu.
Tiếp sau đó, FedEx đã mua được cổ phần của Railway Express Agency (REA), đối thủ hàng đầu trong ngành công nghiệp vận chuyển hàng hóa của nước Mỹ. Thế nhưng, hãng ghi nhận khoản lỗ tới 27 triệu USD trong hai năm đầu tiên do phải gồng hết sức để đảm bảo việc vận chuyển hàng nhanh nhất có thể.
Thời gian sau đó, cuộc khủng hoảng dầu mỏ khiến chi phí nhiên liệu tăng cao đáng kể, FedEx có nguy cơ bị phá sản và nguy cơ ngày càng lộ rõ khi tới giữa năm 1974, mỗi tháng lỗ hơn 1 triệu USD.
Đảm bảo cam kết với khách hàng
Không nản chí, Frederick Smith đã dũng cảm mở hàng loạt chiến dịch quảng cáo dồn dập để tăng khách hàng. Đồng thời, chuyển sang các loại máy bay có tải trọng lớn hơn. Giá thành vì thế giảm xuống và FedEx đã qua được giai đoạn nguy hiểm bên bờ vực phá sản.
Tới năm 1976, FedEx đã có lợi nhuận 3,6 triệu USD. Hai năm tiếp theo, năm 1978, FedEx lên sàn chứng khoán và năm 1980 có doanh thu hơn 400 triệu USD. Tính đến nay, FedEx đã có 645 máy bay, 71.000 xe tải và phục vụ hơn 5,5 triệu đơn hàng mỗi ngày trên toàn thế giới. Frederick Smith lại là người đầu tiên đưa ra cam kết trả lại khách hàng toàn bộ phí vận chuyển nếu không thực hiện đúng cam kết thời gian vận chuyển và giao hàng. Chính những chiêu thức lợi hại ấy khiến FedEx thu hút khách hàng mới rất nhanh.
FedEx là tập đoàn dịch vụ vận tải đầu tiên áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng ISO:9001 trong toàn hệ thống dịch vụ của mình.
FedEx cũng rất chú ý đến sự phát triển của công nghệ. Các hoạt động vận chuyển của FedEx được theo dõi và quản lý bằng hệ thống điện tử.
Smith đã mạnh dạn đầu tư vào các loại máy bay vận tải lớn và hiện đại như A300 - 600F hay Boeing 727 - 100. Từ đầu những năm 1990, Frederick Smith đã quyết định đẩy mạnh khai thác thị trường châu Á. Cùng với đó, nhằm tối ưu hoá trục vận tải hàng không Đông - Tây, ông đầu tư một sân bay và kho tập trung hàng tại bang Alaska ở phía Bắc. Những tính toán đó đã giúp cho FedEx tăng được khả năng cạnh tranh và tiếp tục phát triển.
Công thức đem lại thành công cho FedEx có thể tóm gọn là: May mắn + Tận tâm + Liều lĩnh.
Tuy nhiên, hơn tất cả, tầm nhìn chiến lược và sự trung thành trong cam kết khách hàng mới thực sự làm nên sức mạnh của FedEx. Ẩn chứa trong logo của hãng là mũi tên thể hiện sự linh hoạt, sự đảm bảo đi kèm với nỗ lực không ngừng tiến bước của người chuyển phát nhanh số 1 thế giới.