Thương hiệu Thái Hòa đứng đầu danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam
|
Theo bầu chọn của Vietnam Report công bố vào tháng 2/2012, Thái Hòa đứng đầu danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, với doanh thu trung bình tăng 31%/năm trong giai đoạn 2008 - 2010. Tuy nhiên, cũng ngay trong tháng 2, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Thái Hòa, ông Nguyễn Văn An, thừa nhận tập đoàn này phải bán một số dự án để trả nợ vay. Sau đó, Thái Hòa tiếp tục công bố khoản lỗ 280 tỉ đồng năm 2011, lần lỗ đầu tiên của doanh nghiệp này kể từ khi lên sàn.
Sai lầm cơ bản
Thành lập năm 1996, với trọng tâm là cà phê chất lượng cao Arabica, Thái Hòa đã xây dựng một hệ thống nhà xưởng, kho bãi trải dài tại các vùng cà phê trên cả nước và Lào. Thái Hòa cũng tham gia trồng cà phê với mục tiêu khép kín quy trình từ canh tác, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu. Năm 2009, xuất khẩu cà phê Arabica của Thái Hòa chiếm hơn 50% của toàn ngành, xuất khẩu cà phê Robusta đứng thứ ba toàn ngành, doanh thu đạt hơn 3.200 tỉ đồng.
Trong thời gian này, Thái Hòa cũng theo đuổi chiến lược đầu tư mở rộng, xây dựng hàng loạt nhà máy và công ty con. Trong 3 năm từ 2008 - 2010, Thái Hòa đã đầu tư xây dựng 11 dự án với số vốn hơn 500 tỉ đồng. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho những dự án này, Thái Hòa có ý định niêm yết các công ty con và cả công ty mẹ trên sàn chứng khoán. Thế nhưng, thị trường chứng khoán liên tục đi xuống, các đợt phát hành của Tập đoàn đều thất bại.
Để tiếp tục thực hiện dự án dài hạn (trồng cà phê, cao su, xây dựng nhà máy), Thái Hòa đã đi vay ngắn hạn. Năm 2011, Tập đoàn đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn khi giá cà phê đi xuống, nợ tới kỳ đáo hạn, lãi vay lên cao trong khi chưa có nguồn thu từ các dự án. Thái Hòa rơi vào tình huống khó khăn nghiêm trọng, phải bán non các dự án để trang trải chi phí hoạt động.
Cụ thể Thái Hòa đã bán 99% dự án Điện Biên và 51% dự án cà phê tại Lào cho Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank). Vốn điều lệ từ 577 tỉ đồng giảm còn 378 tỉ đồng do lợi nhuận không đủ trang trải lãi vay; nợ ngắn hạn lên đến 1.500 tỉ đồng, chiếm 65% tổng tài sản.
Nỗ lực của Thái Hòa
Để giải quyết khó khăn này, Thái Hòa đã sử dụng nhiều giải pháp khác nhau. “Đã 3 tháng nay tôi không nhận lương”, ông An cho biết. Bà Ngô Thị Hạnh, vợ ông An, cũng đã bán cổ phiếu để giúp giải quyết khó khăn tài chính. Thái Hòa đã hợp đồng với một số đối tác Trung Quốc theo phương thức hàng đổi hàng, tức là phía đối tác sẽ cung cấp cà phê Arabica cho Thái Hòa bán, sau khi thu được tiền, Thái Hòa sẽ mua Robusta, cà phê hòa tan nguyên liệu xuất lại cho đối tác.
Nhà xưởng và dây truyền thiết bị của Thái Hòa
|
Tuy vậy, điều quan trọng nhất là việc giải quyết các khoản nợ vay ngắn hạn của Thái Hòa vẫn còn đó. Một số nguồn tin cho hay, các ngân hàng Agribank, Maritime Bank đều đã có kịch bản cơ cấu vốn cho Thái Hòa. Vietcombank thì đề nghị tái cơ cấu thông qua mua bán nợ tại Công ty DATC. Còn theo ông An, Thái Hòa đã thỏa thuận thành công chuyển 70% khoản nợ vay ngắn hạn hiện nay sang nợ trung và dài hạn. Ngoài ra, lãi vay chưa trả cho ngân hàng hiện nay của Thái Hòa cũng sẽ được thỏa thuận lại giảm bớt.
Về dài hạn, Thái Hòa vẫn hy vọng tìm được các nguồn vốn khác từ bên ngoài. Vừa qua, Thái Hòa đã công bố kế hoạch phát hành 42 triệu cổ phiếu với giá 6.000 đồng cho cổ đông chiến lược. Giá bán thấp hơn mệnh giá này có vẻ như hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường chứng khoán không thiếu những doanh nghiệp phát hành cổ phiếu với giá thấp hơn mệnh giá như gỗ Trường Thành, Đệ Tam… Năm 2011, kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phần của Thái Hòa cũng đã thất bại khi chỉ bán được 60 cổ phần.
Cũng đã từng rộ lên thông tin Quỹ Haverstock Master Fund đầu tư vào Thái Hòa, nhưng sau đó ông An cho hay: “Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán”.
Mặt khác, các dự án cà phê, cao su tại Lào của Thái Hòa sẽ là đối tượng tiềm năng cho các thương vụ mua bán và sáp nhập. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm vào các công ty chiếm vị thế chi phối trong ngành. Tuy nhiên, mục tiêu là tách các dự án hiệu quả và mua lại chứ không đầu tư vào cả công ty.
Những nỗ lực của ông An và ban điều hành Thái Hòa là không thể phủ nhận. Có thể Thái Hòa sẽ vượt khó thành công, nhưng việc khôi phục lại sau khủng hoảng sẽ vẫn là thách thức của doanh nghiệp này.