Khó thay tên
Theo thông tin từ một chuyên gia bất động sản, việc khách sạn Deawoo sẽ đổi tên khi có chủ mới rất khó xảy ra. Bởi, Deawoo là thương hiệu khách sạn đã có tiếng tại Hà Nội. Số tiền của thương vụ này chưa chính thức công bố nhưng trong đó chắc chắn có khoản tiền mua lại thương hiệu Deawoo. Bên cạnh đó, việc gây dựng một tên tuổi mới của khách sạn đối với ông chủ này không phải là điều dễ dàng.
Đánh giá lại các vụ mua bán khách sạn, resort trong thời gian qua tại Việt Nam, chúng ta rất dễ dàng nhận thấy, tên tuổi của các ông chủ cũ vẫn được giữ lại, kèm theo đó là những điều khoản cam kết về thương hiệu chưa được công bố. Điển hình như BRG mua lại khách sạn Hilton cách đây vài năm nhưng thương hiệu Hilton vẫn tiếp tục được gắn với khách sạn này mặc dù đã về với chủ mới.
Hay Sovico mua lại toàn bộ cổ phần của dự án Furama Resort Đà Nẵng, vẫn giữ nguyên thương hiệu Furama cho tới thời điểm này. Tương tự như vậy, Victoria là tên chuỗi khu nghỉ dưỡng, khách sạn mà Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh tiếp tục duy trì sau khi mua lại từ Công ty TNHH EEM Victoria của Hồng Kông.
Một chuyên gia trong ngành bất động sản phân tích, giá trị bất động sản cũng như cơ sở vật chất của khách sạn không lớn bằng tên thương hiệu. Bản thân doanh nghiệp Việt chưa có khả năng để tự đầu tư xây dựng một thương hiệu mới cho khách sạn. Nhiều ông chủ mới không có kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn, nên tự quản lý kinh doanh là điều không phải dễ dàng.
Khách sạn Victoria
|
Bên cạnh đó, các thương hiệu quốc tế khi họ cho doanh nghiệp trong nước sử dụng cũng phải đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe để đảm bảo tên tuổi của họ không bị ảnh hưởng. Hầu hết những khách sạn, khu nghỉ dưỡng sau khi được doanh nghiệp Việt mua lại thì vẫn giữ nguyên hệ thống nhân sự, đặc biệt là những vị trí quản lý cấp cao là người nước ngoài.
Theo chuyên gia này, những khách sạn đã hoạt động lâu năm đang tạo ra một dòng tiền đều đặn. Chính vì thế, nếu đầu tư mua lại toàn bộ khách sạn, chỉ cần 9 -10 năm có thể thu hồi được vốn. Mặc dù, giá các thương vụ mua bán này không rẻ, nhưng vào thời điểm này mua để đầu tư vẫn là lựa chọn khôn ngoan cho những đại gia có tầm nhìn dài hạn.
Xây dễ, kinh doanh khó
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành khách sạn, resort trong thời gian vừa qua là một miếng bánh ngon cho nhiều công ty quản lý phải chú ý tới. Hàng loạt thương hiệu lớn của các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Six Senses, Accor hay Marriott...
Lý giải về việc hầu hết các khách sạn, resort mặc dù do doanh nghiệp Việt xây vẫn do đơn vị nước ngoài quản lý, ông Tô Như Tùng, một giám đốc resort 4 sao cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do doanh nghiệp trong nước thiếu kinh nghiệm quản lý, thực tế số công ty 100% vốn trong nước đảm nhiệm vai trò là công ty quản lý khách sạn, resort chỉ đếm trên đầu ngón tay mà chủ yếu chỉ quản lý những dự án do công ty mẹ xây dựng.
Bên cạnh đó, gắn mắc Tây vào dự án bất động sản cũng sẽ phần nào làm sang cho tên tuổi của khách sạn, resort khiến cho khách hàng tin tưởng hơn. Ngoài ra, các đơn vị quản lý nước ngoài có hệ thống khách sạn trên thế giới có thể trao đổi các chương trình kỳ nghỉ, cũng như nguồn khách dồi dào.
Resort của ông Tùng cũng phải thuê một đơn vị quản lý nước ngoài, số tiền bản hợp đồng này không phải là nhỏ.
Khách sạn Daewoo
|
Tại Việt Nam, Accor Group với hai thương hiệu Sofitel và Novotel hiện đang quản lý trên 20 khách sạn. Còn Six Senses Resorts and Spas mới vào Việt Nam nhưng cũng đã quản lý các resort lớn như tại Nha Trang, Côn Đảo, Đà Lạt, Phú Quốc. Ninh Vân Bay, một công ty bất động sản du lịch của Việt Nam cũng đã ký kết với thương hiệu này quản lý resort tại Khánh Hòa và tạo nên tên tuổi của Sixsense Ninh Vân Bay, khu nghỉ dưỡng cao cấp với 58 biệt thự biển. Đơn vị này cũng đang tiếp tục hợp tác tại dự án Six Senses Saigon River.
Không chỉ tập trung vào khách sạn 4, 5 sao mà các thương hiệu này còn mở rộng mạng lưới ra các khách sạn 3 sao. Accor sau hàng chục năm tập trung cho thương hiệu Novotel (4 sao) và Sofitel (5 sao), đã quyết định đưa thương hiệu Pullman (5 sao), Mercure (3 sao) và Ibis (3 sao) vào Việt Nam bằng phương thức nhượng quyền.
Ông Tùng cho biết thêm, hầu hết các bản thỏa thuận giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý đều phải giữ bí mật. Tổng mức phí mà công ty quản lý được hưởng có thể chiếm khoảng 10 - 20% trong tổng doanh thu của khách sạn. Nếu áp dụng hình thức nhượng quyền thì mức phí vào khoảng 5 - 10% trong tổng doanh thu. Các mức phí bao gồm: Phí quản lý, tiếp thị, phí đặt chỗ, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo,...
Sự kết hợp giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý tạo nguồn doanh thu cả hai bên đều có lợi, nhưng đáng tiếc thị phần này vẫn đang rơi vào tay nước ngoài. Liệu doanh nghiệp Việt có cơ hội trong thời gian tới?