Chung tay đòi lại thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột bị bảo hộ "nhầm"

Ngày 3/11, UBND tỉnh Đăk Lăk phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột” nhằm lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân xung quanh việc lấy lại thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã bị một công ty ở Trung Quốc đăng ký bảo hộ “nhầm chủ ý”

Chung tay đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Trước đó, theo phát hiện của Công ty Tư vấn sở hữu công nghiệp BROSS & PARTNERS có trụ sở tại Hà Nội, địa danh “Buon Ma Thuot”, cả tiếng Latin và tiếng Trung, đã bị một doanh nghiệp ở Quảng Đông (Trung Quốc) đăng ký bảo hộ và được cấp chứng nhận bảo hộ số 7970830, nhóm sản phẩm 30 (cà phê), hiệu lực văn bằng 10 năm kể từ 14/11/2010. Chủ sở hữu này cũng tiếp tục đăng ký và được bảo hộ logo “Buon Ma Thuot Coffee - 1896” tại Trung Quốc từ 14/6/2011.       

Theo ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) thì việc đăng ký “nhầm” thành công các nhãn hiệu có chứa dấu hiệu chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột nêu trên của Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd) tại Trung Quốc không những đã ảnh hướng xấu đến các khía cạnh văn hóa, lịch sử, kinh tế, uy tín và hình ảnh sản phẩm của Việt Nam… mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và quyền lợi của các nhà sản xuất/kinh doanh sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột khi chúng ta muốn xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc.

Để có thể bảo vệ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc, cũng như ngăn chặn hiện tượng này ở các nước khác - các nước đã và đang nhập khẩu cà phê Buôn Ma Thuột và các nước mà chúng ta dự định phát triển thị trường, chúng ta (đặc biệt là các nhà sản xuất/kinh doanh) cần phải đoàn kết, nhất trí, tập trung các nguồn lực cần thiết nhằm tiến hành một số biện pháp như: Tiến hành các thủ tục hợp pháp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” số 7611987 và 7970830 tại Trung Quốc, cơ sở pháp lý để tiến hành các thủ tục là các điều 10, 16, 41, 43 Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc và Điều 22 Hiệp định TRIPS (nếu cần); tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” vào Trung Quốc dưới dạng nhãn hiệu tập thể (Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc chỉ cho phép đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận); đăng ký chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý vào các nước được lựa chọn (hình thức đăng ký tùy thuộc pháp luật quốc gia về sở hữu trí tuệ của mỗi nước được lựa chọn).

Cũng theo ông Nam, chúng ta nên đăng ký chỉ dẫn “Buôn Ma Thuột” dưới dạng chỉ dẫn địa lý vào các nước Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nhà và một số nước khác (theo hệ thống đăng ký quốc gia hoặc theo hệ thống đăng ký của Cộng đồng chung Châu âu), vào nước Nga, Thụy Sỹ, Thái Lan… (theo hệ thống quốc gia); đăng ký chỉ dẫn địa lý “BMT” dưới dạng nhãn hiệu tập thể vào các nước Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Canada…

Theo Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh (Hà Nội) cho biết khả năng thắng kiện hủy bỏ hiệu lực hai đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được đánh giá rất cao. Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh nêu ra dẫn chứng chúng ta có thể dựa vào Điều 16 Luật Nhãn hiệu hàng hóa của Trung Quốc, tạm dịch là “trường hợp nhãn hiệu hàng hóa có chứa chỉ dẫn địa lý của hàng hóa mà nhãn hiệu dùng cho hàng hóa đó, mà hàng hóa không phải từ khu vực tương ứng và lừa dối công chúng, thì nhãn hiệu đó phải bị từ chối đăng ký và cấm sử dụng. Tuy nhiên, nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký trung thực sẽ có hiệu lực”.

Văn phòng luật sư này còn cho biết, một Văn phòng luật Sở hữu trí tuệ lâu đời có uy tín ở Trung Quốc (giấu tên) khẳng định “ bằng việc CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT đã được công nhận và đăng ký là Chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam, hai đăng ký nhãn hiệu Trung Quốc “BUON MA THUOT & Hán tự” và BUON MA THUOT COFFEE 1896 & Hình” dưới tên của Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd có thể bị hủy bỏ hiệu lực bất chấp CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT có thể không được biết đến ở Trung Quốc”.

Được biết, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ủy quyền cho Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột là chủ đơn bảo hộ ra nước ngoài và là chủ thể xử lý vụ việc trên. Hiện nay, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã nhận được hồ sơ của 4 công ty luật gồm: Công ty Bross & Partners (Hà Nội), Công ty Hà Hải (TP. HCM), Công ty Evenco (Hà Nội), Công ty Phạm và liên danh (Hà Nội) muốn tham gia tranh tụng đòi lại thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”. Sau khi xem xét kỹ hồ sơ, tham vấn ý kiến của các chuyên gia và cơ quan chức năng, Hiệp hội đã thống nhất chọn Văn phòng luật sư Phạm và liên danh (Hà Nội) đại diện cho tỉnh khởi kiện đòi hủy bỏ nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Trung Quốc.


  • 11/11/2011 03:50
  • Theo Dautu.vn
  • 2370


Gửi nhận xét