5 bước tạo nên một nền văn hóa công ty tuyệt vời

Nhân viên không cảm thấy hạnh phúc? Khách hàng không quay trở lại? Bạn có thể thay đổi tất cả những việc đó chỉ với 5 bước đơn giản dưới đây.

Khi nói đến “nền văn hóa công ty tuyệt vời”, cái tên nào sẽ xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của bạn? Với tôi, đó là công ty Zappos. Với 10 giá trị cốt lõi xác định văn hóa, thương hiệu và chiến lược kinh doanh, các nhân viên của Zappos được tận hưởng bữa trưa miễn phí, máy bán hàng tự động không thu phí, thư viện của công ty, phòng nghỉ trưa và chăm sóc sức khỏe miễn phí. Với con số đáng kinh ngạc 75% khách hàng quay trở lại để sử dụng tiếp dịch vụ của công ty, Zappos chính là ví dụ tiêu biểu cho mô hình kinh doanh trung thành và một hệ thống tiếp thị mối quan hệ hiệu quả.

Nếu bạn muốn tạo dựng một công ty có thể thu hút và giữ chân các nhân viên và khách hàng trung thành thì việc tạo ra một nền văn hóa độc đáo phải được ưu tiên hàng đầu.

Tiến sĩ David Vik là người sáng lập kiêm CEO của công ty The Culture King và là chuyên gia huấn luyện tại Zappos, ông giúp công ty này định hướng về văn hóa công ty. Vik chia sẻ: "Hãy nhớ rằng luôn tồn tại một nền văn hóa trong bất cứ công ty nào. Nhưng không phải nền văn hóa nào cũng được như ý muốn, và có nhiều nền văn hóa được mặc định tạo ra”. Nếu bạn muốn tạo ra một nền văn hóa độc đáo thì hãy bắt tay vào việc chuyển đổi nền văn hóa công ty đang có.

1. Tạo ra một tuyên ngôn hấp dẫn thuyết phục

Hãy tạo ra một tuyên ngôn ngắn gọn, dễ nhớ và dễ nhắc lại. Các đoạn văn dài dòng khó hiểu không thể dẫn dắt được suy nghĩ, quyết định hoặc hành động của nhân viên vì họ không thể nhớ và nhắc lại được.

2. Xác định mục đích của bạn

Ai cũng cần có mục đích trong cuộc sống của mình, đó là một sự thật trong kinh doanh. Nếu mục đích của công ty bạn chỉ là kiếm tiền thì nhân viên sẽ không bám trụ lâu dài ở đó. Nếu mục đích đó thuyết phục và cho họ lý do xác đáng để làm việc tại công ty bạn, nó sẽ thu hút các nhân viên.

Nếu bạn tạo ra một mục đích có lợi với loài người nói chung chứ không riêng gì công ty bạn thì bạn sẽ không chỉ thu hút được nhân viên mà còn giữ được chân họ, điều này cũng có cùng sức ảnh hưởng tới khách hàng của bạn.

3. Sắp xếp mô hình kinh doanh của bạn

Hãy quan sát thật kỹ mô hình kinh doanh của bạn. Nó có phù hợp với mong muốn, nhu cầu và yêu cầu của khách hàng không?

Nếu mô hình của công ty bạn chú trọng các điều kiện bán hàng khắt khe và các bản hợp đồng dài hạn hoặc bạn không đối xử với khách hàng đúng cách, có lẽ bạn sẽ phải tạo ra những thay đổi để phù hợp với mong muốn, nhu cầu và yêu cầu của khách hàng. Mọi người giờ đây đều có sự lựa chọn và chính kiến riêng, và các công ty đứng trước sự lựa chọn phát triển hay tan rã.

4. Tạo ra các nhân tố độc đáo

Có lẽ các nhân tố độc đáo của công ty bạn là điều quan trọng nhất trong kinh doanh ngày nay. Tại sao ai đó lại muốn làm việc cùng hoặc mua sản phẩm của công ty bạn? Có gì độc đáo trong đó? Sản phẩm bạn bán hay phân phối có gì nổi bật so với hàng hóa cùng loại?

Có được sự độc đáo không phải là yếu tố duy nhất cần có ở sản phẩm của bạn, còn phải kể đến cả cách bạn phân phối chúng. Hãy trở nên khác biệt! Nếu tất cả mọi người đều dựng lên hàng rào ngăn cách, hãy đào một đường hầm.

5. Làm rõ các giá trị của bạn

Các giá trị cho thế giới bên ngoài biết mọi thứ về công ty. Hãy quan sát một lượt những gì ẩn bên trong công ty bạn để xem các giá trị hiện tại là gì. Nếu chúng không phải là những gì bạn mong muốn, hãy tạo ra các giá trị để dẫn mọi người và công ty tới thành công.

Ví dụ, nếu công ty bạn không phải là công ty giỏi nhất trong việc thông tin kịp thời tới mọi người, bạn sẽ không muốn tạo ra một giá trị giống như “chúng tôi sẽ liên hệ vào lúc thuận tiện”. Bạn có thể muốn tạo ra một giá trị kiểu như “thông tin kịp thời”. Giá trị đó sẽ thu hút những người luôn mong đợi được thông tin kịp thời và theo thời gian các giá trị này sẽ phát huy tác dụng giúp nhân viên và công ty đạt được tiềm năng tối đa.

Bạn có thể không cần giá trị nào cả, điều đó tùy thuộc vào bạn, nhưng hãy nhớ rằng các giá trị sẽ dẫn dắt cách bạn làm mọi việc trong tương lai, vì vậy hãy lựa chọn một cách khôn ngoan.

Hãy dành chút thời gian để tạo ra năm cơ cấu chủ chốt làm khung cho nền văn hóa độc đáo, phù hợp với mong muốn, nhu cầu và yêu cầu của nhân viên và khách hàng và xã hội. Sau khi đã đặt ra cơ cấu, hãy để mọi người trong công ty cùng tạo ra nó.


  • 28/06/2013 10:45
  • Theo doanh nhân360.com
  • 3194


Gửi nhận xét