Văn hóa doanh nghiệp: Từ góc nhìn của người Nhật

Theo GS.Takahashi Yoshiaki, Đại học Chuo (Nhật Bản), các khảo sát về tính chăm chỉ của người dân một số nước châu Á cho thấy người Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản rất chăm chỉ, trong đó người Nhật chăm chỉ nhất. Đặc biệt, người Nhật làm việc theo tổ, nhóm hiệu quả nhất. Nhưng tính chất này ở người Việt Nam khá thấp.

Khảo sát các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Việt Nam cho thấy các DN Việt Nam chưa được hệ thống hoá sự ngăn nắp, tính khoa học. Ở Nhật, bước vào cổng của một DN nhỏ và vừa bạn sẽ cảm nhận được quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ, tuân thủ theo một hệ thống có tổ chức bài bản. Nó tạo nên “văn hoá DN”, gây ấn tượng để khách hàng, đối tác tin vào chất lượng sản phẩm công ty…

Các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam đã có những tiến bộ trong phát triển kinh tế, xã hội… Người Việt Nam cũng chăm chỉ, chịu khó nhưng còn thiếu tầm nhìn về tương lai. Họ mới chỉ nhìn thấy những cơ hội trước mắt, chưa có nhiều DN sản xuất công nghệ. Một đất nước phát triển là một nước có nhiều công cụ hỗ trợ, có nền tảng về công nghệ để phát triển bền vững…

      Ảnh minh họa

Doanh nghiệp Nhật với thực hành “5S”

GS. Hitokoto cho biết, điểm chung trong văn hoá DN của Nhật là tiêu chuẩn 5S: SEIRI (sàng lọc); SEITON (sắp xếp); SEISO (sạch sẽ); SEIKETSU (săn sóc); SHITSUKE (sẵn sàng).

Theo đó, “sàng lọc” là loại bỏ những thứ không cần thiết ở nơi làm việc. Sau đó, “sắp xếp” chúng lại theo thứ tự để dễ thấy, dễ lấy và dễ trả lại. Giữ vệ sinh “sạch sẽ” nơi làm việc sao cho không có bụi bẩn, không có rác trên sàn nhà, máy móc và thiết bị. 

GS. Hitokoto cho biết, quan niệm của người Nhật là bạn phải sạch sẽ trước. Khi bước vào cổng công ty, bạn sẽ thấy cái bồn rửa tay trước khi bạn tiếp tục đi vào bên trong. Muốn “sàng lọc”, “sắp xếp” và “sạch sẽ”, bạn phải “săn sóc”, phải đề ra những quy định thực hiện vào từng thời điểm, phải tạo thành thói quen thường xuyên “sẵn sàng”. Thấy rác, thấy bẩn, thấy bừa bộn là không chịu được… Luôn luôn thực hành 3S đầu tiên “sàng lọc”, “sắp xếp”, “sạch sẽ” để duy trì nơi làm việc thông thoáng, an toàn, ngăn nắp. Chúng tạo thành các quy tắc, quy định làm việc và “văn hoá công ty”…

“Được thực hiện ở hầu hết các DN Nhật, 5S thực sự hữu ích, giúp làm việc nâng cao năng suất (Productivity), có chất lượng cao (Quality), giúp làm việc an toàn (Safe), tinh thần hăng hái (Morale)…; nơi làm việc sạch sẽ và ngăn nắp hơn; các hoạt động trở nên dễ dàng và an toàn hơn.

5S giúp tạo dựng thói quen làm việc có kỷ luật tập thể. Cán bộ công nhân viên tự hào về nơi làm việc sạch sẽ và an toàn, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các hoạt động cải tiến; xây dựng ý thức cải tiến cho mọi người tại nơi làm việc; xây dựng tinh thần đồng đội; phát triển vai trò lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo và quản lý thông qua các hoạt động thực tế...”, GS. Hitokoto cho biết.

Tuy nhiên, GS. Hitokoto cũng nhấn mạnh: Để thực hiện 5S thành công cần phải có sự cam kết và hỗ trợ của lãnh đạo; đào tạo và huấn luyện thường xuyên; huy động sự tự nguyện tham gia của mọi người; lặp lại vòng 5S với tiêu chuẩn cao hơn…

Học hỏi để phát triển bền vững

Người Nhật có tác phong làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm và coi công việc, nơi mình công tác là niềm tự hào. Khi bạn hỏi đến công việc của họ, họ sẽ nói nhiều về nơi họ làm việc, chứ không nói đến chức danh hay địa vị như người Việt Nam. Họ trung thành với công ty và làm việc rất cần mẫn, kiên trì thực hiện theo kế hoạch và làm đến khi thành công. Thường người Nhật làm việc đến khi hết việc mới về, còn chúng ta đôi khi việc còn nhưng hết giờ là về. 

Nguyên tắc trong các DN Nhật là phân biệt rạch ròi công việc, vị trí của từng người. Những người mới vào làm việc trong công ty Nhật phải đến sớm hơn người đã làm việc trước đó... 

"DN Việt Nam tuy có phát triển, nhưng tôi còn e ngại kiểu làm ăn chưa có định hướng phát triển lâu dài, mới chỉ nhìn thấy cơ hội trước mắt. “Chớp thời cơ” là tốt nhưng phải nghĩ đến sự phát triển bền vững… Do vậy, ngoài các chính sách kinh tế, các DN Việt Nam cần chú ý học tập những kinh nghiệm phát triển của các nước", TS Nguyễn Khắc Cảnh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết.
 


  • 04/06/2013 02:21
  • Theo quantridoanhnghiep.edu.vn
  • 3322


Gửi nhận xét