Tác động của văn hóa ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp

Văn hoá ứng xử trong doanh nghiệp là một phần văn hoá doanh nghiệp. Các mối quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp được xây dựng và duy trì, phát triển bền vững sẽ tạo ra mối liên kết chặt chẽ trong toàn doanh nghiệp và đây là nguồn nội lực to lớn của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa ứng xử trong nội bộ tác động không nhỏ đến người lao động nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

(Ảnh minh họa)

1. Tạo sự an tâm công tác cho người lao động

An tâm công tác là một nhân tố hàng đầu trong việc xây dựng thái độ lao động của nhân viên. Thiếu an tâm công tác làm giảm hiệu năng lao động, giảm sự gắn bó với doanh nghiệp, với tập thể. Chiến lược sử dụng  nguồn nhân lực của các công ty Nhật Bản luôn đề cao sự gắn bó lâu dài cả về lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần giữa người lao động với doanh nghiệp như: Chế độ làm việc suốt đời, sự thăng tiến, tạo cho người lao động hội nhập được mục tiêu sự nghiệp của họ vào mục tiêu chung của doanh nghiệp và tạo tiền đề để xây dựng sự đồng lòng trong doanh nghiệp.

Sự an tâm công tác này được tạo ra bởi các mối quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp như quan hệ của cấp trên với cấp dưới và quan hệ của những người đồng cấp. Các quan hệ ứng xử trong doanh nghiệp phải đảm bảo rằng mọi người không bị phân hóa bởi những nghi kỵ, những bất đồng ý kiến, gièm pha… Và hơn nữa phải cho họ những quyền chính đáng để thích nghi và đóng góp vào những quyết định chung của tập thể. Khi điều kiện được thỏa mãn sẽ khiến người lao động cống hiến tích cực hơn cho doanh nghiệp.

2. Tạo hứng khởi làm việc và mang lại hiệu quả công việc cao

Tinh thần làm việc của nhân viên luôn quyết định sự thành công của mỗi công ty. Để có được một đội ngũ nhân viên năng động, làm việc hết mình thì mỗi công ty ngoài hệ thống tiền lương hợp lý cũng cần có những biện pháp kích thích khả năng của các nhân viên. Người lãnh đạo doanh nghiệp giỏi luôn biết kết hợp các hình thức khen thưởng về vật chất và tinh thần. Nhiều khi chỉ là một ánh mắt nhìn thân thiện hay một lời khen thưởng, một lời hỏi thăm chân thành cũng có tác dụng động viên, khuyến khích tinh thần làm việc của nhân viên. Bởi con người ngoài những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống còn có nhu cầu xã hội, nhu cầu được khẳng định mình.

Ông Chiristophe Wood, Chủ tịch Công ty Estee Lauder Group tại Nhật Bản chia sẻ: “Chỉ cần một ánh mắt thân thiện, một cái bắt tay nhiệt tình, những lời khuyến khích động viên của người quản lý, bạn sẽ thấy hiệu quả công việc của các nhân viên được nâng cao một cách đáng ngạc nhiên”.

Người lao động cũng như nhà quản lý cần gắn bó với nhau và cố gắng để trong đời sống thường nhật, ranh giới giữa người quản lý và nhân viên càng giảm bớt khoảng cách càng tốt. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có sự đồng cảm, quan tâm và biết cách giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết: Quan tâm đến nhau nhân ngày sinh, ngày cưới, ngày khánh thành nhà mới…, mọi người cùng đến để thăm hỏi khi đồng nghiệp ốm đau, sinh con… Từ đó, xây dựng được những nét văn hóa riêng có trong doanh nghiệp, làm cho các thành viên cảm nhận được tình cảm gắn bó lẫn nhau trong một gia đình lớn là doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần làm việc mang lại hiệu quả công việc cao.


  • 18/06/2013 03:08
  • Thảo Nguyên
  • 10576


Gửi nhận xét