5 mẹo đón nhận lời chỉ trích một cách nhẹ nhàng

Không ai có thể thành công trong việc làm hài lòng tất cả mọi người, sẽ luôn có những "nhà phê bình" hiện diện quanh bạn. Có rất nhiều lời phê bình sẽ giúp bạn "lớn" lên và trở nên chuyên nghiệp hơn. Nói cách khác, chúng rất cần thiết cho sự phát triển cá nhân cũng như sự nghiệp của bạn. Tuy nhiên, đón nhận sự chỉ trích không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi.

Dưới đây là 5 mẹo đối diện với những lời chỉ trích một cách khôn ngoan, theo Tori Utley – nhà sáng lập, CEO của công ty khởi nghiệp Tinua, người nằm trong danh sách Under 30 của Tạp chí Forbes:

1. Xem xét mọi khía cạnh

Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng tất cả mọi người đều có thế giới quan và cách nhìn nhận vấn đề giống mình. Tuy nhiên, đừng quên rằng người khác không có cùng những kinh nghiệm cũng như quan điểm giống bạn.

Vì vậy, khi bị chỉ trích, ghi nhớ điều này sẽ giúp bạn hiểu được tại sao một người không đồng tình với ý kiến của bạn, và xác định xem bản thân có cần phải điều chỉnh suy nghĩ cho hợp lý hơn hay không.

2. Giữ bình tĩnh

Đối diện với lời chỉ trích không đơn giản, nhưng làm “nhặng xị” lên cũng không phải là giải pháp, ngược lại chỉ có thể khiến tình hình phức tạp hơn và trường hợp xấu nhất là bạn mất đi cơ hội quý báu để học hỏi và tiến bộ. Bởi khi phản ứng thái quá trước những lời chỉ trích, bạn sẽ không còn đủ bình tĩnh để suy nghĩ một cách lý trí và sẽ rơi vào tình trạng bị cảm xúc dẫn dắt hành vi.

Để đảm bảo có thể xử lý tình huống một cách hợp lý nhất, hãy giữ bình tĩnh và duy trì sự tự chủ.

3. Tiếp thu có chọn lọc

Đây không phải điều quá mới mẻ nhưng bạn luôn cần nhớ. Không phải tất cả những lời chỉ trích đều xứng đáng để bạn dành thời gian và công sức. Trong mọi trường hợp, chỉ nên quan tâm đến những lời phê bình đúng đắn, cần thiết và có thể giúp bạn tiến bộ.

Bằng cách bỏ qua những chỉ trích thiếu chính xác và không có thiện ý xây dựng, bạn sẽ giữ cho đầu óc mình được tỉnh táo để tập trung vào những việc khác có ý nghĩa hơn cho sự nghiệp.

4. Suy nghĩ tích cực

Chúng ta có khuynh hướng tin rằng những người đưa ra lời phê bình phải có suy nghĩ và ý định tiêu cực. Hãy điều chỉnh nhận thức này bằng cách giả định rằng họ nêu quan điểm dựa trên nền tảng muốn đóng góp xây dựng. Điều này giúp chúng ta tránh bị những cảm xúc tiêu cực đối với đồng nghiệp, người giám sát hoặc khách hàng… lấn át, và dễ dàng tiếp thu những ý kiến xác đáng.

5. Trung thực với bản thân

Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill - một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh Quốc và lịch sử thế giới - từng nói: “Lời phê bình có thể không dễ chịu nhưng rất cần thiết. Nó có vai trò tương tự như cơn đau trong cơ thể con người. Nó kêu gọi sự chú ý đến một hiện trạng “không khỏe mạnh” của sự vật”. Trong quá trình đối diện với những lời chỉ trích, điều quan trọng nhất là trung thực với chính mình.

Mặc dù không phải lời phê bình nào cũng đáng để tiêu hao công sức, việc thường xuyên tự đánh giá về tính cách, hiệu suất làm việc, năng lực lãnh đạo... của bản thân một cách trung thực sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn. Càng thành thật với chính mình, bạn càng có nhiều khả năng trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn


  • 10/05/2016 11:21
  • Nguồn: doanhnhansaigon.vn
  • 1443