Bài học về phát ngôn qua câu chuyện 6.700 cái cây bị chặt

Câu chuyện tốn nhiều giấy mực của báo chí, truyền thông gần đây nhất chính là chuyện chặt cây và những phát ngôn của cơ quan quản lý cứ như tạt thêm bình xăng vào đám lửa đang cháy. Trong khuôn khổ bài viết này không bàn đến chuyện đúng sai, mà tập trung vào câu hỏi: Đã đến lúc các lãnh đạo cần quan tâm đến PR?

Ảnh minh họa.

Bài học về cung cấp thông tin

Cho đến giờ, mấu chốt của vấn đề là con số 6.700, quá nhiều cho một đô thị còn thiếu bóng mát, và việc thực hiện một cách chóng vánh không báo trước. Rõ ràng, người dân có quyền nghi ngờ về con số chẵn một cách kỳ lạ, và bức xúc về việc làm vội vã.

Theo giải thích từ phía lãnh đạo thành phố, sự việc đã bị hiểu sai và thông tin không được cung cấp đầy đủ, chủ trương đã có từ vài năm nay. Tuy vậy, có vẻ như đã quá trễ cho những thông báo chính thức. Trên Facebook, chúng ta đang chứng kiến đủ hình thức đấu tranh, từ nặng nề như kiện cáo, viết tâm thư, cùng ký tên kiến nghị cho đến hài hước như chế ảnh, chế nhạc, làm thơ…

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện tương tự trong quá khứ. Từ chuyện xe chính chủ, chứng minh thư ghi tên bố mẹ hay mới đây là thu xe của người uống rượu bia. Có nhiều câu chuyện đơn giản, nhưng do cách thông tin sai mà bị phản ứng gay gắt. Hầu hết các trường hợp đều nảy sinh từ 2 vấn đề: Thiếu cơ chế tiếp cận thông tin và sai thông điệp. Những sai sót này có thể được giải quyết nếu cơ quan quản lý quan tâm đến quan hệ công chúng, đến định hướng dư luận trước khi ra chính sách, đến kênh truyền đạt thông tin.

Thật đáng tiếc, nếu vẫn tương tác một chiều cùng cách thức làm việc cũ, có thể tiếp tục dẫn đến những trường hợp tương tự như việc chặt cây sau này. Xã hội đã phát triển lên hình thức mới, với sự gắn kết rộng hơn nhưng rời rạc giữa các cá nhân thông qua mạng xã hội. Đám đông thường hay cảm tính, và sẽ phản ứng gay gắt khi họ có cơ hội thể hiện mình nhiều hơn trên không gian ảo.

Thay vì cấm đoán, các nhà lãnh đạo thế giới đã sử dụng nhiều hơn các kênh truyền thông, đặc biệt là trên mạng xã hội. Điều này giúp các chính trị gia chủ động trong việc đưa thông tin định hướng dư luận, tương tác hai chiều và tạo ra cảm giác minh bạch hơn (do không qua bộ lọc của báo chí). Mặc dù đằng sau họ là cả một bộ máy tư vấn và quản trị truyền thông, công chúng sẽ có cảm tình hơn khi ít nhất thì cũng có cảm giác ý kiến của mình được lắng nghe và mọi người xung quanh quan tâm.

Những ví dụ thành công

Ở Việt Nam, gần 20 năm trước phim ảnh và truyền hình đã được dùng làm công cụ để đưa luật thuế VAT phổ biến cho người dân và thu được kết quả cao. Hay các chương trình an toàn giao thông chiếu hàng ngày trên VTV trước đây, đã giúp thay đổi cả một thói quen xã hội tồn tại lâu năm, biến quy định đội mũ bảo hiểm trở thành một chiến dịch thành công điển hình của cơ quan quản lý.

Thời gian gần đây, cũng đã bắt đầu xuất hiện những cá nhân lãnh đạo quan tâm đến hình ảnh của mình trong mắt công chúng.

Đi đầu xu hướng này là Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng, người đã công khai số điện thoại của mình để người dân phản ánh sự việc. Hình ảnh của ông đã được yêu mến hơn rất nhiều, với cách xử lý công việc quyết liệt và sự đưa tin kịp thời của các trang tin, đi kèm với những bức ảnh cập nhật tại hiện trường.

Hay mới đây là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, với sự tư vấn từ agency (nhà quảng cáo) nước ngoài, hình ảnh của Bộ trưởng đã có thay đổi đáng kể theo hướng tích cực hơn. Với sự thay đổi từ cách ăn mặc, trang điểm, phát ngôn và trang Facebook chính thức được công khai, chắc chắn hình ảnh của bà sẽ gây được thiện cảm nhiều hơn so với 2 năm gần đây.

Quan hệ công chúng đã không còn mới lạ với các thương hiệu, nhưng vẫn là mới lạ với cơ quan quản lý. Khi đây đã trở thành xu hướng mới trên thế giới, thiết nghĩ cơ quan quản lý cần tương tác nhiều hơn với công chúng, để tránh những bài học đáng tiếc như việc chặt cây xanh vừa rồi.


  • 24/03/2015 10:44
  • Nguồn bài và ảnh: Trí thức trẻ
  • 1423


Gửi nhận xét