Xây dựng thương hiệu quốc gia - việc không của riêng ai

"Hãy vào Lotte Mart để thấy Hàn Quốc!". Người ta nói vậy, và tôi cũng thấy vậy.

Các mặt hàng Hàn Quốc bán ở Việt Nam đều khá tốt, rất đáng đồng tiền, chưa thấy ai than phiền về chất lượng - Ảnh sưu tầm.

Nhìn một thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế

Lotte Mart dành một diện tích khá lớn trưng bày tràn ngập các mặt hàng thời trang và mỹ phẩm Hàn Quốc. Các bạn trẻ Việt háo hức mua sắm, xuýt xoa trước các mẫu quần áo "đẹp như trong phim" gợi lại hình ảnh của những thần tượng phim ảnh xứ Hàn. Những gian hàng mỹ phẩm cũng có cảnh tương tự. Những cô gái trang điểm kiểu "ngôi sao" truyền hình tận tình tư vấn, giới thiệu từng loại mỹ phẩm, thu hút không chỉ người mua Việt vòng trong vòng ngoài mà còn rất nhiều người Hàn Quốc.

Người Hàn sống ở Việt Nam mua hàng hóa xuất xứ từ quê nhà quả là một hình ảnh quảng bá thương hiệu quốc gia tuyệt vời. Đó cũng là chất xúc tác cho người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào chỉ dấu nhận biết "Made in Korea". Tra Google, tôi nhận ra hầu hết các thương hiệu bày bán ở đây không mấy tên tuổi ở Hàn Quốc. Có thể vì vậy mà mỹ phẩm và túi xách, áo quần có giá khá thích hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt.

Hình dung lại con đường hàng hóa Hàn Quốc vào đây, ai cũng thấy các nhà sản xuất xứ Hàn vô cùng thuận lợi vì họ có cả một làn sóng văn hóa bằng điện ảnh, ca nhạc đi trước mở đường. Các thương hiệu nhỏ khác chỉ việc làm hàng cho tốt, cho xứng với chỉ dấu "Made in Korea", rồi từ từ xuất ra nước ngoài. Từ lọ tương để làm cơm trộn, chai nước gạo, đến cây son..., tất cả đều có cái bóng quốc gia che chở với những thương hiệu khổng lồ mở đường như Samsung, Hyundai, LG... Tuy nhiên, dù không mấy tên tuổi, lại có giá khá rẻ nhưng các mặt hàng Hàn Quốc bán ở Việt Nam đều khá tốt, rất đáng đồng tiền, chưa thấy ai than phiền về chất lượng.

Để ngẫm lại chính mình...

Nói về thương hiệu Hàn Quốc lại ngẫm về hành trình xây dựng thương hiệu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Trên một vài diễn đàn thanh niên trẻ lập nghiệp hay có những so sánh, than vãn của những người trẻ Việt mới khởi nghiệp. Rất nhiều người đã lao vào lập nghiệp, nhưng những ý tưởng đẹp mới manh nha đã vấp phải thực tế phũ phàng. Những sản phẩm được kết hợp bởi chất xám đúc kết từ học đường, cộng với nhiệt tình của tuổi trẻ đã bị những người khác sao chép tràn lan. Sự ăn cắp công khai đó làm nản lòng những người muốn khám phá và sáng tạo.

Tại một hội chợ hàng Việt mới đây ở Đà Nẵng, có hẳn một gian hàng nhận trưng bày các sản phẩm bị "nhái" do các khổ chủ hàng thật đem tới tố cáo với đầy đủ bằng chứng. Khó mô tả hết nỗi buồn của những người đi hội chợ khi đứng trước những món hàng giả. Người tiêu dùng không chỉ sợ mua nhầm hàng giả, bị hàng giả cướp nốt khoản chi tiêu eo hẹp, mà còn thấy sợ cái viễn cảnh sự giả dối và chụp giật sẽ trở thành đặc tính căn bản của nhiều người trẻ nếu như những chuyện xấu cứ diễn ra hằng ngày mà không có mấy ai quan tâm.

Chưa hết, trong chúng ta còn đang dấy lên sự tự mãn về hàng Việt trong khi thương hiệu "Made in Vietnam" chưa đủ "độ bao phủ" thì đã bị ngập tràn trong hàng giá rẻ Trung Quốc, và bây giờ là hàng Thái Lan, Hàn Quốc hay Indonesia...

Xây dựng thương hiệu quốc gia từ góc độ sản xuất hàng hóa không đơn giản là những lời kêu gọi suông từ đâu đó. Cũng không đơn giản là xây dựng cho có những thương hiệu quốc gia rồi "tự sướng" với nhau.

Những người trẻ lập nghiệp cần có được niềm tin vào những sản phẩm mà họ gian nan xây dựng trong quá trình khởi nghiệp. Những người khác cần hiểu thấu đáo về nghĩa vụ và quyền lợi từ thương hiệu quốc gia mà họ sẽ thụ hưởng...


  • 24/12/2014 03:31
  • Nguồn bài và ảnh: Doanh nhân Sài Gòn
  • 1271


Gửi nhận xét