"Tốc độ" – Bí quyết thành công của thương hiệu Zara

Zara thành công bằng “tốc độ” và làm cho các phong cách trên sàn diễn thời trang trở nên phổ biến hơn, ngày càng thích ứng với người tiêu dùng.

Phần nhiều sản phẩm của Zara là do họ tự sản xuất. Do đó, có thể loại trừ được khâu trung gian, kiểm soát công việc tốt hơn, và nhanh chóng đưa sản phẩm đến với thị trường, nhanh hơn bất kỳ một thương hiệu nào khác. Sản phẩm mới chỉ mất vài ngày để có mặt tại các cửa hàng và không phải chỉ một lần trong mùa, hàng năm họ tung ra hơn 11.000 loại sản phẩm khác nhau. Điều này không chỉ làm cho Zara trở thành những cửa hàng thời trang cập nhật nhất, mà còn khiến khách hàng trở lại với họ nhiều lần hơn để mua cho được những kiểu thời trang mới nhất. Một khách hàng bình thường ở Tây Ban Nha trung bình đến với thương hiệu này một năm ba lần, trong khi đó, những người hâm mộ Zara trở lại 17 lần do thương hiệu này liên tục thay đổi kiểu dáng thiết kế.

Ảnh minh họa

Trong khi nhiều hãng mạnh tay đầu tư để "tạo ra xu hướng" thì Zara không làm vậy mà đi theo một cách nhanh nhẹn và linh hoạt. Nhiệm vụ của đội ngũ thiết kế Zara không phải là tạo ra cái mới, mà là tái tập hợp những yếu tố thời trang đã có sẵn theo ý mình để tạo ra sản phẩm mới hơn. Nói cách khác, họ "tái hiện" thời trang chứ không "tạo ra" thời trang. Từ khâu nhận định xu hướng cho tới lúc có hàng mới bày bán chỉ mất có 30 ngày. Cứ hai tuần một lần, gần 2000 cửa hàng của Zara lại có hàng mới để bán.

Công thức thời trang nhanh nhạy này của Zara góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng khi công ty nỗ lực để mở rộng xa hơn ngoài thị trường châu Âu, nơi họ đã hoàn toàn chiếm lĩnh. Một số thương hiệu, như Gucci và Rolex, giới hạn lượng hàng phân phối để kích cầu, trong khi Zara lại giới hạn các hoạt động marketing và quan hệ truyền thông. Chính vì vậy mà những lời đồn đại và quan hệ công luận truyền miệng đã trở thành nguồn thông tin chính. Thậm chí những cửa hàng mới của họ cũng hoàn toàn giấu nhẹm đằng sau những tấm bảng cho đến ngày khai trương. Điều này chứng tỏ rằng có thể xây dựng thành công một thương hiệu toàn cầu xoay quanh sản phẩm thay vì tập trung vào việc quảng bá. Thương hiệu này sản xuất ra những bộ cánh thời trang cao cấp nhưng với mức giá phải chăng phần lớn là nhờ chi phí quảng cáo tối thiểu và lượng hàng tồn thấp. Zara phản ứng rất nhanh với thị trường tiêu dùng, nếu một kiểu mẫu nào đó không bán chạy trong vòng một tuần thì lập tức kiểu này sẽ bị thu hồi và thay thế bằng một thiết kế mới hơn.

Đối với những sản phẩm lâu dài như chăn ga gối đệm, Zara cũng thuê nhà máy tại các nước đang phát triển để tiết kiệm. Nhưng với thời trang nhanh, hãng sản xuất tại chỗ. Tuy lương của công nhân châu Âu cao hơn bên ngoài, nhưng thời gian quay vòng nhanh đến khó tin: Chỉ cần hai tuần, ý tưởng nảy ra trong đầu nhà thiết kế sẽ biến thành sản phẩm trên kệ. Trong khi đó, các hãng khác thường đặt nhà máy ở châu Á để thuê nhân công giá rẻ.

Zara xây dựng 14 nhà máy tự động hóa cao cấp ngay tại Tây Ban Nha với hệ thống robot làm việc sát sao từng giây, nhuộm sẵn vải và tạo ra vải thành phần. Đồng thời, đầu tư máy quét mã vạch laser để phân loại, sắp xếp hơn 80.000 miếng vải với tỉ lệ lỗi dưới 0,5% để kịp tiến độ. Vải chưa nhuộm màu được đặt hàng sẵn, hãng có thể điều chỉnh màu linh hoạt tùy theo xu hướng.

Nhờ có bí quyết độc đáo, thương hiệu đã thành công nhanh chóng và có độ phủ sóng đáng nể trong làng thời trang thế giới.

 

 

 


  • 24/10/2014 10:20
  • Thảo Nguyên
  • 2587


Gửi nhận xét