Doanh nghiệp làm trách nhiệm xã hội: Vừa có tiếng, vừa có miếng

Trên thực tế, đầu tư vào trách nhiệm xã hội (CSR) giờ không còn là gánh nặng mà đang đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Muôn vẻ trách nhiệm xã hội…

Doanh nghiệp vẫn tìm kiếm được lợi nhuận dài hạn, nhưng đồng thời đảm bảo được phúc lợi xã hội cũng như bảo vệ môi trường để đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững. Nhiều doanh nghiệp có những cách thức riêng để thực hiện trách nhiệm xã hội. Nestlé Việt Nam hay Tôn Hoa Sen là những ví dụ tiêu biểu. 

Trong nhiều năm qua, Nestlé Việt Nam đã thực thi một chuỗi các dự án CRS, điển hình là giúp nông dân Việt Nam trồng cà phê bền vững theo mô hình 4C (gồm Common – chung, Code – bộ quy tắc, Coffee – cà phê và Community – cộng đồng). Nông dân không chỉ được tập huấn cách canh tác hiện đại, có năng suất cao hơn, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường mà các sản phẩm đều được bao tiêu hết với giá cao hơn thị trường. Cách làm CSR của Nestlé Việt Nam không chỉ mang lại cho doanh nghiệp sản phẩm tốt mà tất cả mọi người nằm trong quy trình sản xuất đều được hưởng lợi. 

Một cách làm CRS “đình đám” khác là câu chuyện của Tôn Hoa Sen với sự kiện Nick Vujicic. Dù việc mời người nổi tiếng trên thế giới đến Việt Nam khiến doanh nghiệp dễ bị lầm tưởng là chiêu trò PR, nhưng việc Tôn Hoa Sen đưa chàng trai khuyết tật người Úc Nick Vujicic đến Việt Nam diễn thuyết, chia sẻ nghị lực sống, vượt lên nghịch cảnh đã cổ vũ cho mọi người nhận thức được giá trị sống tích cực, lạc quan, thúc đẩy khả năng vượt khó. Tất nhiên, nhận diện thương hiệu của Tôn Hoa Sen cũng lớn theo.

Khi trách nhiệm xã hội trở thành lợi thế cạnh tranh…

Theo ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, kinh nghiệm của Đan Mạch về đầu tư CSR cho thấy rằng, những doanh nghiệp cam kết và có những hành động thiết thực vì cuộc sống tốt đẹp, ổn định của nhân viên cũng là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất và có lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác. Thực hiện trách nhiệm xã hội về trung hạn và dài hạn sẽ đạt được những lợi ích như giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới.

Từ năm 1997 đến nay, Đan Mạch cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư CSR ở nhiều lĩnh vực: Năng lượng tái tạo, nước sạch và vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục với số tiền lên đến 74 triệu USD. Theo ông John Nielsen, chương trình này tiếp tục được thực hiện và không có giới hạn nào về tài chính cho mỗi doanh nghiệp tham gia. CSR trở thành một trong những yêu cầu đối với doanh nghiệp, và tiến đến một bước cao hơn đó là trách nhiệm bắt buộc khi mà cả cộng đồng doanh nghiệp cùng cam kết tuân thủ. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy sản đang thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc đạt được các loại chứng nhận đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như: Global GAP, ASC, BAP… Mặc dù, đây là điều kiện đặt ra từ bên nhập khẩu, nhưng sản phẩm đạt được các chứng nhận có uy tín luôn có lực hút người tiêu dùng, ít bị chèn ép giá.

Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn cho biết, cách làm CSR của Công ty Giấy Sài Gòn dựa trên đầu tư công nghệ sản xuất và máy móc thiết bị hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Áp dụng các tiêu chuẩn ISO trong sản xuất, hướng tới các sản phẩm chất lượng tốt và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Tổ chức thu mua giấy vụn để tái chế, vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, vừa tạo việc làm cho người lao động, tránh khai thác quá mức lượng gỗ sử dụng cho bột giấy nguyên liệu. “Doanh nghiệp chú trọng CSR sẽ là một bảo chứng làm tăng niềm tin, tạo thuận lợi để phát triển hợp tác với các đối tác nước ngoài”, ông Vị khẳng định.


  • 06/08/2014 09:21
  • Tổng hợp theo Doanh nhân online
  • 2468


Gửi nhận xét