Bảo vệ uy tín của doanh nghiệp trên internet

Nếu không thường xuyên theo dõi những gì mà mọi người nói về thương hiệu của bạn trong thế giới trực tuyến thì có khả năng bạn đang gửi những khách hàng tiềm năng cho đối thủ cạnh tranh.

Dù không thể kiểm soát việc người khác nói gì về doanh nghiệp của mình nhưng bạn vẫn có thể tận dụng internet để quảng bá và tự bảo vệ uy tín của doanh nghiệp bằng những cách đơn giản dưới đây.

Ảnh minh họa.

Tìm hiểu xem mọi người nói gì về sản phẩm hay dịch vụ của bạn

Bắt đầu với việc tìm kiếm tên công ty của bạn cũng như tên của sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung cấp trên Bing, Conduit, Google hay Yahoo. Nên tìm kiếm trực tuyến bằng cách sử dụng chính xác cụm từ khóa cùng với những cụm từ đánh vần hơi sai lệch mà mọi người thường dễ gõ nhầm. Thông thường, trong trang đầu của kết quả dò tìm, bạn sẽ thấy những tin tức và dòng nhận xét về nội dung bạn tìm kiếm.

So sánh mặt mạnh, mặt yếu của mình với đối thủ cạnh tranh

Việc quan sát tên tuổi của các đối thủ trên internet là cần thiết và quan trọng. Chú ý đến những gì mọi người ca ngợi đối thủ của bạn làm tốt mà bạn chưa làm tốt và ngược lại. Điều cốt lõi là bạn học tập được gì từ đối thủ và cả khách hàng để nâng cao sức cạnh tranh.

Chăm chút cho website công ty

Website của doanh nghiệp sẽ là hàng rào chắn phòng vệ đầu tiên khi nói đến danh tính của công ty bạn trong thế giới trực tuyến.

Do đó, nó phải bao hàm một thông điệp hết sức rõ ràng, cụ thể và lôi cuốn về công ty cùng sản phẩm và dịch vụ mà bạn đang kinh doanh. Trong địa chỉ URL của website cũng nên phản ánh tên của doanh nghiệp bạn, chẳng hạn http://www.congtyabc.com, nếu không, bạn nên nhanh chóng mua lấy một tên miền phù hợp để tạo điều kiện cho các khách hàng sẽ dễ dàng tìm thấy bạn trên mạng.

Theo dõi những gì mọi người nói về doanh nghiệp và phản hồi nhanh chóng

Nếu bạn đang sở hữu trang Facebook hay tài khoản Twitter, LinkedIn của doanh nghiệp, hãy đăng nhập vào tài khoản ấy hằng ngày để theo dõi những câu hỏi, lời bình luận của khách hàng cũng như hồi âm riêng cho họ một cách kịp thời. Quan tâm đến những nhận xét về doanh nghiệp trên các website đánh giá, nắm bắt và phân tích những gì mọi người nói về doanh nghiệp trên các website đánh giá là việc cũng cần làm.

Chẳng hạn nếu đang điều hành một khách sạn thì bạn có thể tìm kiếm lời đánh giá, nhận xét và cho điểm của các website uy tín như TripAdvisor, Agoda hay Hotels.com. Nếu một khách hàng nào đó than phiền về mức độ vệ sinh của phòng ốc, hãy xem đó là một lời góp ý chân thành và nhanh chóng chỉnh sửa, sau đó cập nhật trên website của khách sạn thông tin về việc vệ sinh các phòng đã được cải thiện.

Tạo ra những nội dung tích cực để lấn át các nội dung tiêu cực

Bạn nên tạo ra nhiều hình thức độc đáo khác nhau cho nội dung website, gồm blog doanh nghiệp và tận dụng cả kênh YouTube. Xây dựng được nội dung website hấp dẫn và phù hợp với mong muốn tìm kiếm thông tin của nhiều người sẽ giúp tăng khả năng xuất hiện của website trên trang đầu của các kết quả tìm kiếm trực tuyến.

Điều căn bản là bạn cần tạo đủ nội dung tích cực trên thiết bị dò tìm trực tuyến để từ đó làm giảm khả năng xuất hiện của những nội dung xấu liên quan đến thương hiệu của doanh nghiệp. Không cần tốn thời gian để phản ứng trước những phê bình tiêu cực trên mạng.

Không nên dành quá nhiều thời gian để hồi âm cho những lời bình luận tiêu cực quá đáng hoặc có ý đả kích về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn trên các trang nhận xét. Càng gắn kết với những lời phê bình ấy thì vô tình bạn càng khuyến khích Google, Bing hay Conduit hướng người truy cập tìm đến các nội dung trao đổi gây tranh cãi ấy.


  • 24/10/2013 09:44
  • Theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 1673


Gửi nhận xét