Bí quyết để đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ ý kiến

Công việc có vấn đề trục trặc, bạn cần tổ chức cuộc họp để thu thập ý kiến của đồng nghiệp, bạn mong muốn mọi người sẽ thực sự nhập cuộc để cùng bạn vượt qua khó khăn. Thế nhưng, đôi khi, những cuộc họp lại kéo dài, mất nhiều thời gian nhưng hầu như vô bổ bởi ai cũng thờ ơ vì đó không phải trách nhiệm của mình. Họ chỉ ngồi nghe mà không có sự phản hồi nào, kể cả khi bạn hỏi đến. Những cuộc họp bế tắc như thế khiến bạn cảm thấy ngột ngạt.

Thực tế, để mọi người vui vẻ tham gia cuộc họp, sẵn sàng chia sẻ, đóng góp ý kiến, người tổ chức cuộc họp phải có "mẹo". Hai cái đầu bao giờ cũng tốt hơn một cái đầu, vì thế, đừng bao giờ coi thường theo kiểu "nếu không thích thì không cần phải họp".

Để cuộc họp hiệu quả, công việc trôi chảy, bạn cần có sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của mọi người.

Sau đây là những bí quyết giúp bạn lôi kéo được nhiều người tham gia cuộc họp và sẵn sàng chia sẻ vấn đề với bạn:

Ðừng áp đảo

Bạn nên đưa vấn đề cần thảo luận ra trao đổi một cách cởi mở, cố gắng để mọi người cảm thấy việc đó có liên quan trực tiếp đến họ, để lôi kéo mọi người tích cực đóng góp ý kiến. Người ta sẽ thấy bạn thực sự muốn dành thời gian cho họ, muốn nghe ý kiến của họ và vui vẻ chia sẻ suy nghĩ của bản thân. Bởi ít nhất, ý kiến của họ cũng đóng vai trò quan trọng, được đánh giá cao.

Khi muốn trưng cầu ý kiến, bạn nên để ít nhất là 3 người bày tỏ quan điểm trước khi đứng ra phát ngôn trở lại. Tính dân chủ, cởi mở và coi trọng mọi người sẽ khiến họ cảm thấy tin tưởng, thoải mái hơn khi tham gia gỡ rối công việc.

Có cái nhìn tích cực

Mỗi người đều có cách nhìn nhận, đánh giá riêng, có thể khác với những gì bạn nghĩ nhưng đừng vì thế mà gạt bỏ hay đánh giá thấp ý kiến của họ. Bạn cần phải chỉ cho mọi người thấy rằng, tất cả những ý kiến đóng góp đó đều có giá trị bởi đã đưa ra được những điểm quan trọng. Hãy cảm ơn họ vì đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích.

Tuyệt đối không vì bất kỳ lý do gì mà tỏ ra chán nản, coi thường ý kiến của mọi người, kể cả khi nó chưa thực sự giúp bạn giải quyết được vấn đề. Cứ đặt bạn vào vị trí của họ, nếu có người tỏ thái độ như thế, liệu lần sau bạn còn muốn chia sẻ ý kiến nữa hay không.

Hỏi trực tiếp

Để thu thập được ý kiến từ tất cả mọi người, bạn nên đề nghị mỗi người đưa ra ý kiến, chia sẻ suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, đừng tạo cho người khác cảm giác bị ép buộc. Mọi thứ cần phải thoải mái, trên tinh thần hợp tác.

Hỏi trực tiếp nhưng không có nghĩa là tạo áp lực, bắt người ta phải nói. Hãy trao đổi với mọi người thật nhẹ nhàng, trên tinh thần hợp tác.


  • 25/08/2014 10:34
  • Tổng hợp theo Bưu Điện Việt Nam
  • 1406


Gửi nhận xét