Ảnh minh họa.
|
Thiết lập quy tắc ứng xử ngay từ đầu
Phong cách làm việc của thế hệ 8x, 9x: Nghe nhạc trên máy tính, bỏ các cuộc họp mà họ nghĩ không quan trọng (đôi khi còn không báo trước), ăn mặc xuề xòa đi gặp khách hàng lớn...
Để ngăn ngừa điều này, hãy thống nhất với họ ngay từ những ngày đầu các quy định ứng xử trong công ty, giờ giấc làm việc, cách thức quan hệ với khách hàng… Hãy chỉ rõ giới hạn. Nếu không làm điều này lúc ban đầu thì việc bạn trừng phạt thái độ không đúng mực sau đó sẽ khó được chấp nhận, vì họ sẽ có cảm giác là bạn thay đổi quy định tùy tiện.
Đặt người trẻ vào môi trường làm việc tập thể
Họ sẽ bộc lộ được hết tiềm năng của mình trong một nhóm làm việc, nơi mỗi người sử dụng hết khả năng hướng tới một mục tiêu chung chứ không phải để nghe lệnh cấp trên. Với cách làm việc như vậy, bạn sẽ được nhân viên tôn trọng vì biết cách lắng nghe ý kiến cá nhân. Đừng quên rằng họ đã quen chia sẻ thông tin và trao đổi công việc trên internet, vì thế không nên cấm họ sử dụng internet nơi làm việc. Vốn quen thuộc với các mạng xã hội, những người trẻ dưới 30 tuổi ưa thích được làm việc tập thể. Ngược lại, họ không chịu đựng được một ông chủ gia trưởng. Nếu bạn ra lệnh mà không thảo luận với họ, họ sẽ chấp nhận mệnh lệnh của bạn một cách miễn cưỡng.
Nhân viên trẻ thường không phân biệt rạch ròi lắm giữa công việc và đời sống riêng. Facebook giúp họ hẹn hò cuối tuần, đồng thời cũng giúp thiết lập các mối quan hệ công việc. Hãy hạn chế, nhưng nên chấp nhận lối văn hóa cộng đồng này, vì nó cũng có những tác động tích cực. Ví dụ, người ta quan sát được rằng những nhân viên trẻ thường xuyên liên lạc với nhau qua internet có khả năng hợp tác trong công việc tốt hơn, gắn kết hơn ngay cả khi họ ở những bộ phận khác nhau. Đây chính là một cách thúc đẩy tình đồng nghiệp tốt hơn.
Tạo tính độc lập cần thiết trong công việc
Đừng ngạc nhiên khi nhân viên không quan tâm mấy đến địa vị lãnh đạo. Với họ, cấp bậc và tuổi tác không liên quan gì đến khả năng làm việc. Họ sẽ không tin tưởng một cách mù quáng vào bạn chỉ vì bạn là lãnh đạo. Nhân viên trẻ cũng cần những nhận xét khách quan và bổ ích, và hãy cho họ lời khuyên ngay khi cần thiết: "Cậu làm tốt việc này, tuy nhiên việc kia thì không thế". Nhân viên trẻ sẽ nhận thức rõ sai lầm của họ hơn nếu bạn nhấn mạnh tác hại của sai lầm ấy đối với công ty.