1. Chuẩn bị một tâm thế tự tin, chuyên nghiệp
Cũng như một người lính thiện chiến chuẩn bị ra trận, mỗi giao dịch viên cần có tâm lý chủ động, tự tin trước khi đương đầu với các thử thách trong công việc. Bạn cần nhận thức được rằng mình đang làm một công việc quan trọng, “quang minh chính đại” với một sứ mệnh vẻ vang.
Thái độ tích cực cần đi liền với việc trang bị một nền tảng kiến thức mà công việc đòi hỏi, trước hết là về luật pháp, hợp đồng, các quy định... Nếu không có kiến thức tốt, bạn có thể bị rơi vào tình trạng bị động hoặc đuối lý trước những khách hàng thích lý sự hoặc tìm cách "đổ lỗi".
Bạn cần có thêm các nghiệp vụ và kỹ năng của người giao dịch viên, trong đó có việc tìm hiểu tâm lý khách hàng để có cách ứng xử phù hợp và hiệu quả. Ăn mặc gọn gàng (mặc đồng phục nếu có), đeo thẻ nhân viên đầy đủ… sẽ tạo cho khách hàng, đối tác ấn tượng bạn là người chuyên nghiệp.
Trong công việc cần sự cẩn trọng, hết sức tránh các biểu hiện đểnh đoảng, sơ ý... ảnh hưởng đến chất lượng công việc, từ đó dễ gây căng thẳng, stress.
Đừng để stress ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống. Hình minh họa
|
2. Giao tiếp chủ động, tích cực và hiệu quả
Nguyên lý cơ bản của giao tiếp hiệu quả, nhân văn được tóm tắt trong câu nói cổ xưa của Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”: Cái gì mình không muốn thì đừng bắt người ta phải chịu đựng, cái gì mình thích thì cần làm cho người khác. Bạn cần có kế hoạch và cố gắng đặt được lịch hẹn trước với khách hàng, đối tác.
Khi cần thuyết phục, đàm phán phải có mục tiêu rõ ràng, giữ vững nguyên tắc công việc song linh hoạt trong ứng xử, tôn trọng lẫn nhau, tránh to tiếng, cãi nhau với khách hàng, nhất là ở chỗ đông người. Nghiêm túc trong công việc cùng thái độ hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, điểm xuyết những câu nói vui vẻ, hài hước phù hợp, là kinh nghiệm của những người giao tiếp hiệu quả.
Nếu biết kiên nhẫn lắng nghe và có một giọng nói dịu dàng bạn có thể “hạ hỏa” những khách hàng nóng tính. Đối với các khách hàng, đối tác quan trọng, cần xây dựng tình cảm chân thành, chia sẻ, bền lâu. Tuy vậy, không nên lạm dụng nguyên tắc “giải quyết công việc trên bàn nhậu”. Các giao dịch viên nữ cũng không nên dễ dãi gặp khách hàng, đối tác tại những nơi riêng tư, lãng mạn và nhạy cảm.
3. Biết cách xả stress
Gia đình là bến đỗ bình yên sau một ngày làm việc và cũng là nơi bạn có thể tin tưởng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, nạp năng lượng để ngày mai tiếp tục công việc. Bạn không nên đem tâm trạng bức xúc từ cơ quan về gia đình và ngược lại, đừng để những chuyện buồn/cãi cọ trong gia đình theo mình đến cơ quan làm bạn phân tâm, mất cảm hứng trong công việc.
Hãy sống lạc quan, độ lượng, vị tha, quan tâm tới người khác là cách xả stress tốt nhất.
Văn nghệ, thể thao, du lịch là các hình thức xả stress rất hiệu quả. Nếu bạn có một niềm đam mê nào đó thì cố gắng nuôi dưỡng nó. Dù là mê chim, cây cảnh hay sưu tầm gì đó còn hơn là không có sở thích gì, ngoại trừ mê say rượu, thuốc...
Nếu có điều kiện bạn nên cùng hát karaoke hoặc xem phim với gia đình. Với những nghề dễ bị stress nhiều nhà tâm lý khuyên nên tập yoga, thể dục dưỡng sinh...