Cách dễ dàng gây ấn tượng với sếp

Gây ấn tượng với sếp không có nghĩa là bạn phải nịnh bợ, “luồn cúi” nhưng hãy chắc chắn rằng bạn luôn làm tốt công việc của mình với một thái độ chủ động, tích cực.

Hãy chứng tỏ cho sếp thấy khả năng của bạn thông qua hiệu quả công việc và những cống hiến của bạn cho công ty.

Ảnh minh họa.

Sự hiểu biết

Dù là cấp trên hay đồng nghiệp đều sẽ “trầm trồ” trước một nhân viên có sự hiểu biết sâu rộng. Những kiến thức bạn có về một hay một vài lĩnh vực cho thấy bạn là một người thông minh, có trình độ. Nhưng quan trọng hơn là cách bạn thể hiện sự hiểu biết, thông minh đó trong quá trình làm việc một cách khéo léo và tinh tế. Điều này không chỉ khiến người khác “thán phục” mà còn rất yêu mến bạn. Hãy cập nhật tin tức hàng ngày. Dành thời gian đọc và tìm hiểu những kiến thức phục vụ cho công việc của bạn. Nắm bắt những phát minh mới của ngành công nghiệp, hiểu rõ những biến động trên thị trường tài chính…

Chăm chỉ và tích cực

Đừng ngại làm những việc không phải chuyên môn chính. Bạn luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đôi khi, hãy cố gắng nhận và làm thêm một vài công việc khác nếu như công ty có nhu cầu. Nó có thể chỉ là việc photo tài liệu hay việc chuẩn bị phòng họp - không chiếm nhiều thời gian của bạn. Thể hiện này cho thấy bạn luôn sẵn sàng cống hiến cho công ty, luôn quan tâm đến sự phát triển chung của toàn công ty.

Hiểu rõ năng lực, công việc và điểm yếu của bạn

Bạn cần hiểu rõ 3 yếu tố này để hoàn thành công việc tốt hơn. Một nhân viên giỏi không phải là người ôm đồm quá nhiều việc, mà là người biết rõ mình làm việc gì và cố gắng hoàn thành chúng thật tốt. Nhìn nhận đâu là điểm yếu để khắc phục là điều nên làm và vô cùng quan trọng. Không ai trong chúng ta hoàn hảo, nhưng không ai lại không mưu cầu sự hoàn hảo. Nếu muốn tiến đến sự hoàn hảo đấy, bạn cần khắc phục, loại bỏ dần dần những điểm yếu. Hãy mạnh dạn thay đổi nếu bạn thấy điều này là cần thiết.

Chìa khóa để bạn có thể luôn tự tin nói “TÔI CÓ THỂ” là có niềm tin vào bản thân và không ngừng phấn đấu hoàn thiện mình, mong muốn làm mới bản thân và chấp nhận thử thách.

Sẵn sàng chia sẻ

Không ngại chia sẻ ý kiến cá nhân mang tính xây dựng và đóng góp cho công việc chung. Nhà quản lý đánh giá rất cao những nhân viên biết lắng nghe và biết bày tỏ suy nghĩ chủ quan mỗi khi họ trình bày một kế hoạch hay chiến lược mới nào đó. Hiểu rõ những gì mình đang nói, trình bày nó một cách thích hợp và đưa ra những lý do thuyết phục để “bảo vệ” chính kiến của bản thân là điều không phải nhân viên nào cũng có thể làm được.

Trách nhiệm

Bất kể bạn làm việc trong ngành nghề, lĩnh vực nào, “trách nhiệm” là một trong những phẩm chất vô cùng cần thiết. Bạn cần có trách nhiệm với bản thân, với những gì mình làm và trách nhiệm với công việc chung, với lợi ích của công ty. Xa rời hai chữ “trách nhiệm” này, bạn dễ dàng chệch khỏi “đường ray” và thậm chí mắc phải những sai lầm nghiêm trọng đáng tiếc.

Không thể tránh hết những sai lầm và khi trót mắc sai lầm nơi làm việc thì hãy đối mặt với nó. Đừng lờ đi những sai sót đó hay đổ lỗi cho người khác. Hãy nhận trách nhiệm và đưa ra các biện pháp để sửa sai. Sếp bạn có thể sẽ không hài lòng về điều đó nhưng ít nhất là họ cũng sẽ ấn tượng với cách xử lý của bạn.

Luôn biểu hiện đúng mực

Hãy là chính mình. Đừng chơi trội, đừng bất hợp tác, đừng “phá đám” đồng nghiệp. Cũng đừng biến mình thành “chú hề” nơi công sở. Xem trọng đồng nghiệp và tinh thần đội nhóm. Hãy đoàn kết và góp sức cho tập thể vững mạnh, sếp sẽ thấy rõ vai trò không thể thiếu của bạn đối với công ty.


  • 09/09/2014 09:41
  • Tổng hợp theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 1442


Gửi nhận xét