Hiểu biết về văn hóa dân tộc và tâm lý cá nhân của từng đối tác
Thời bao cấp, chúng ta làm việc chủ yếu với các đối tác đến từ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Lúc đó chưa có kinh tế thị trường, quan hệ hữu nghị tốt đẹp, cách thức ứng xử tự nhiên, đơn giản hơn. Hiện nay, tình hình đã thay đổi. Các đối tác của Việt Nam ở Châu Âu chủ yếu là các nước phát triển, tiếng Anh, tiếng Pháp đã thay thế tiếng Nga, hoạt động giao tiếp, đàm phán, hợp tác kinh doanh phải tiến hành một cách bài bản và hiệu quả hơn.
Sau đây là một số kiến thức giao tiếp của đối tác chính đến từ châu Âu.
Ảnh minh họa.
|
Người Anh, người Scotland và người Ailen: Cần tránh nói về vấn đề độc lập dân tộc, vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit – Britain exit) vì đây là những vấn đề chính trị nhạy cảm. Những nước này đều có chung ngôn ngữ: tiếng Anh. Họ thận trọng trong giao tiếp, ăn mặc và chú ý đến địa vị xã hội, danh tiếng, luôn đúng giờ và có thói quen luôn bắt tay khi làm quen. Nam giới thường thích đeo cavat kẻ sọc. Những chủ đề ưa thích là lịch sử, văn chương, kiến trúc, bóng đá, du lịch... Những vấn đề cần tránh là tôn giáo, tiền bạc. Khi thân mật, họ gọi tên, khi ăn có mời chào… Câu chuyện dễ làm quen thông thường nhất là thời tiết và thể thao.
Người Pháp: Người Pháp luôn tự hào về văn hóa và ngôn ngữ của họ, bất đắc dĩ mới sử dụng tiếng Anh. Họ luôn chú ý đến sự trang trọng và lễ nghi trong các cuộc gặp và rất ít khi dùng tên thân mật. Họ có thói quen bắt tay nhanh và nhẹ. Họ sử dụng bữa ăn tối để đàm đạo về những vấn đề quan trọng và cân nhắc khá kỹ trước khi quyết định. Người Pháp rất tự hào về lịch sử, ngôn ngữ, hệ thống giáo dục, thời trang, kiến trúc, cảnh quan, rượu vang… của họ. Người Pháp có yêu cầu khá cao về chất lượng món ăn và chất lượng phục vụ, bữa chính thường là bữa trưa. Chủ đề ưa thích của họ là món ăn, thể thao, văn hóa nghệ thuật, tránh các chủ đề về tiền bạc, mức thu nhập, giá cả, đời tư, chính trị…
Người Đức: Ngoài tiếng Đức, hầu hết các chuyên gia và kỹ sư Đức ra nước ngoài làm việc đều nói thạo tiếng Anh. Họ có thói quen bắt tay chặt khi làm quen, chào hỏi và chỉ gọi tên thân mật khi đã quen, tác phong đúng giờ và khá sòng phẳng. Khi giao tiếp, họ không đút tay vào túi và không xỏ tay vào vạt áo khi ăn, xưng danh đầy đủ khi trả lời điện thoại. Họ thường bàn luận công việc sau bữa ăn. Chủ đề ưa thích là ôtô, bóng đá, các món ăn và tránh các chủ đề về chiến tranh, thể thao Mỹ...
Người Thụy Điển: Người dân thường biết nhiều ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Họ bắt tay khi giao tiếp và rất nghiêm túc, chuẩn xác về giờ giấc và thận trọng trong công việc, không thích nắm tay hay vỗ sau lưng. Họ có thói quen chúc tụng nhau trong bữa ăn. Người Thụy Điển luôn tự hào về lịch sử, văn hóa, xã hội của mình và di sản của bộ tộc Viking. Chủ đề yêu thích của họ là mức sống, cảnh quan thiên nhiên, thể thao. Họ tránh các chủ đề về tuổi tác, nghề nghiệp, ăn uống, gia đình.
Người Thụy Sỹ: Do là dân tộc có sự giao thoa của văn hóa Pháp, Đức và Italia, nên người Thụy Sỹ sử dụng thông thạo cả ba ngôn ngữ này. Nhiều người biết tiếng Anh. Họ rất đúng giờ và kín đáo, luôn tự hào về nền độc lập, trung lập, mức sống, lịch sử, cảnh quan của đất nước. Họ thường chúc nhau về sức khỏe và có thói quen tặng hoa, quả. Chủ đề ưa thích là thể thao, di sản và cảnh quan đất nước, du lịch, chính trị, đồng thời tránh các chủ đề về tuổi tác, nghề nghiệp, ăn uống, gia đình...
Cần quản trị chiến lược và cái tâm sáng
Giao tiếp, ứng xử có văn hóa với đồng nghiệp, đối tác trong và ngoài nước… là điều kiện cần để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả. Nhưng muốn duy trì và phát triển lâu dài với đối tác, cần phải có quản trị chiến lược và cái tâm trong sáng. Nghĩa là người đứng đầu DN phải thực hiện một cách khoa học cả 3 khâu: Xây dựng chiến lược, thực thi chiến lược và kiểm soát chiến lược.
Trong xây dựng chiến lược phát triển cần hoàn thành tốt mục tiêu nghiên cứu, dự báo và lựa chọn, quyết định đúng đối tác và có kế hoạch chăm sóc, phát triển mối quan hệ và hoạt động hiệu quả. Bí quyết thành công của nhiệm vụ này thực ra lại rất đơn giản: Cần suy nghĩ, ứng xử và hành động với một cái tâm trong sáng, tinh thần thực sự cầu thị, có trách nhiệm và vì lợi ích chung. Không thể dùng các thủ đoạn và kỹ thuật của mình để che mắt người châu Âu, bởi họ là một cộng đồng các dân tộc rất thông thái, trọng danh dự và công bằng.
5 nguyên tắc giao tiếp, ứng xử thành công với các đối tác châu Âu
- Phải bảo vệ được lợi ích quốc gia, dân tộc mình trong ứng xử và làm ăn với đối tác nước ngoài.
- Tuân thủ luật pháp, quy tắc ứng xử và tiêu chuẩn quốc tế.
- Hiểu biết về văn hóa của đối tác và có hành vi ứng xử hiệu quả trong kinh doanh.
- Tránh những điều kiêng kỵ và sai lầm trong giao tiếp, ứng xử đối ngoại.
- Xây dựng lòng tin chiến lược và duy trì hợp tác lâu dài với đối tác đã chọn lọc.
Đây là những nguyên tắc đảm bảo sự thành công, được rút ra từ thực tiễn. Muốn giao tiếp thành công và xây dựng mối quan hệ làm việc lâu dài phải thực hiện phương trâm “biết mình, biết người”, cùng thắng và tôn trọng, quan tâm tới cái tôi của họ, bắt đầu từ sự hiểu biết về văn hóa và tâm lý dân tộc của mỗi nước.
|