Nếu im lặng được thì tốt nhất đừng lên tiếng
Khi giận dữ, bạn sẽ không còn là bạn, bởi vậy nếu có bất kỳ hành động không đúng nào trong thời điểm này, chắc chắn bạn sẽ hối hận về sau. Những lời nói ra khi tức giận có thể sẽ làm tổn thương người khác, đẩy cơn tức giận của bạn và người đối diện lên cao hơn. Khi im lặng, bạn sẽ có thời gian để cân nhắc lại mọi chuyện, trong nhiều trường hợp, sự im lặng trong cơn tức giận sẽ cứu cả một mối quan hệ. Rèn luyện sự bình tâm và hạn chế hành động khi tức giận là bạn đã thành công!
Nếu bạn nói, hãy chú ý những điều sau:
Trong trường hợp, bạn không thể im lặng mà phải nói thì chúng tôi xin chia sẻ với bạn những kinh nghiệm “bỏ túi” sau:
Ngừng 10 giây trước khi nói
“Trời ơi, cái bản mặt của anh/chị làm tôi điên lên...” – Bạn đang muốn hét lên vào mặt đồng nghiệp như vậy? Bạn đang bí bách, bức bối trong lòng và chỉ muốn “xả” hết ra cho hả? Hãy bình tĩnh, hãy hạ nhiệt bằng cách hít thở sâu và nhẩm đếm từ 1 đến 10. Việc nhẩm đếm này tưởng chừng chỉ dành cho những đứa trẻ nhưng khi đếm xong số 10 thì sự minh mẫn, bình tĩnh của bạn cũng quay trở lại và “Nào, bây giờ hãy bắt đầu câu chuyện của chúng ta!”.
Đặt câu hỏi thay vì “đốp” lại ngay
Khi bắt đầu câu chuyện, thay vì “đốp” lại ngay, “vặn” ngay đối thủ thì bạn hãy hỏi lại xem họ định nói gì, rằng hãy bắt đầu là “Tôi chưa hiểu ý anh lắm, ý anh có phải là như vậy không?...”, bởi có thể bạn hiểu nhầm ý họ thì sao. Khi bạn bình tĩnh hỏi lại, người kia có thể cũng thấy mình hơi quá lời, và nói lại với ý nhẹ nhàng hơn, vậy là mâu thuẫn đã được hóa giải một cách đơn giản.
Nói chậm rãi
Bạn đã biết những lời nói ru nhẹ nhàng có thể khiến trẻ nhỏ chìm vào giấc ngủ nhanh hơn; thôi miên là nghệ thuật của sự điều tiết ngữ điệu vừa đủ để tác động đến não bộ người bị thôi miên… Cho nên, khi nói bạn cần chú ý đến ngữ điệu, giọng điệu và tần suất lời bạn nói. Thay vì hét to, nói nhanh liên hồi với những từ khó nghe, bạn nên dùng ngữ điệu chậm và nói vừa đủ nghe. Cũng là một vấn đề nhưng nếu bạn nói bình tĩnh, lời nói của bạn sẽ có tác động tích cực hơn những lời nói to và suồng sã.
Tôn trọng người nghe
Quy tắc để giữ các mối quan hệ là tôn trọng lẫn nhau. Dù bạn vừa nhận lời nói khó nghe đến mức nào, hãy để họ nói hết, rồi mới đáp lại. Hãy đặt mình vào vị trí người nghe, nếu nhận được những lời như vậy thì bạn sẽ thế nào? Bạn nghĩ rằng hôm nay mình bực tức với ai đó, mình “xả” ra một tràng với hàng loạt từ khó nghe thì mối quan hệ của bạn ngày mai sẽ vẫn còn. Sự thật là mối quan hệ của bạn có thể bị tổn hại và đổ vỡ!
Biết nói lời “Xin lỗi”
Cơn giận dữ đi qua, bạn đã không thể im lặng, bạn đã nói và dùng nhiều từ ngữ “thô bạo” và nhiều người vô tình trở thành nạn nhân của cơn giận thì bạn nên xin lỗi, xin lỗi ngay cả người làm bạn tức giận. Phương pháp này khiến “đối thủ” của bạn thấy ngượng ngùng, mọi người sẽ thông cảm với bạn hơn, vì lúc đó bạn đang nóng và chính bản thân bạn sẽ suy nghĩ lại và thấy hành động giận dữ là sai lầm.