Giao tiếp trong cách bắt tay

Bắt tay là biểu hiện của lòng tin tưởng và phần nào tạo dựng các mối quan hệ bền vững. Có những cái bắt tay làm đôi bên xích lại gần nhau, làm cho công việc trở nên dễ dàng thuận lợi hơn. Có những người chỉ sơ suất trong việc bắt tay khiến đối tác không hài lòng, để làm lỡ việc.

Bắt tay thể hiện một nét đẹp

Đối với bạn bè lâu năm không gặp, thể hiện sự thân thiện, tình cảm quý mến nhau. Hay người xưa gọi là “tay bắt mặt mừng” là như thế. Trong công việc, khi gặp gỡ đối tác, cái bắt tay để truyền cho người ta cảm giác thân thiện, cởi mở, sức mạnh của sự tự tin, khả năng làm chủ bản thân, để lại ấn tượng tốt đẹp. Đó là khởi đầu của mối quan hệ tốt đẹp và thành công.

Nhưng cũng có những cái bắt tay không đẹp, bắt tay một cách bất đắc dĩ, ví dụ như 1 lãnh đạo đang đứng ở bậc thang cao, đưa tay ra cho nhân viên đứng dưới nắm, tay kia để trong túi quần. Hay một người bề trên đang ngồi trên ghế salon trong nhà, người khách vào chìa tay bắt, nhưng vẫn cứ ngồi, chỉ bắt tay hời hợt. Còn những trường hợp 2 người bắt tay nhưng mắt lại nhìn đi nơi khác, nói chuyện với người thứ 3.

Hay một người nam giới khi bắt tay chị em phụ nữ lại nắm quá chặt, giữ quá lâu không chịu buông ra… Tất cả những cử chỉ trên đều thiếu văn hóa, không tôn trọng nhau, gây bất bình đẳng trong giao tiếp.

Bắt tay được coi là một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, thể hiện tình cảm quý mến lẫn nhau, là màn chào hỏi để làm quen hay tiếp đến những cuộc nói chuyện tiếp theo. Vậy phải bắt tay sao cho đúng cách, đúng văn hóa để không làm mất đi ý nghĩa của cử chỉ thân thiện này.

Cách bắt tay với đối phương

Khi bắt tay ai, nên tỏ thái độ niềm nở, chân thành. Đưa tay phải ra nắm cả bàn tay khách và không giữ lâu. Nếu bắt tay mà bóp mạnh quá là thô bạo, hời hợt là lạnh nhạt và thiếu tôn trọng, nhất là với người đứng tuổi, có cương vị và phụ nữ. Khi bắt tay, cần giữ tư thế đàng hoàng, không vồ vập, không cúi gập người, mà nên đứng ngay ngắn và với thái độ lịch thiệp. Không dùng hai tay để bắt tay với tư thế khúm núm, nên chọn vị trí đứng bắt tay cho phù hợp với địa vị và nhân cách của mình.

Bạn nên đứng cách đối phương một khoảng, hơi nghiêng người về phía trước. Sau đó, bạn đưa tay phải ra, ngón cái xoè và 4 ngón còn lại khép chặt, nắm lấy tay đối phương. Lưu ý, khi bắt tay bạn nên tập trung tinh thần của mình, tránh xao nhãng. Một vài bạn vì e ngại hay nhìn đi nơi khác hoặc cúi gằm mặt xuống. Điều đó sẽ cản trở hiệu quả giao tiếp của bạn. Vì vậy, bạn nên giữ cho gương mặt của mình thật tươi tắn và nhìn thẳng vào đối phương để thể hiện sự chân thành trong giao tiếp.

Thứ tự ưu tiên khi bắt tay với nhiều người

Trong khi gặp gỡ, nói chung, những người có tuổi hay có địa vị xã hội cao hơn là người chủ động chìa tay ra bắt. Bạn cần lưu ý để nhận biết và có những cư xử đúng mực.

Ví dụ: Chú bác chủ động bắt tay cháu, hay giám đốc bắt tay các nhân viên. Trong trường hợp 2 bên ngang hàng, thì bên chủ nhà sẽ là bên chủ động bắt tay trước. Tuy nhiên, đôi khi chính việc chủ động bắt tay bất kể địa vị xã hội, cũng là một cách gây ấn tượng về sự tự tin.

Thời gian thích hợp khi bắt tay

Khi bắt tay không nên bắt tay quá lâu. Hãy giới thiệu trước khi bắt tay. Thông thường thì nắm tay và lắc 3-4 nhịp là vừa đủ. Giữ tay người khác, nhất là với nữ giới quá lâu thì sẽ bị coi là bất lịch sự. Ngay ở lần gặp gỡ đầu tiên, thông qua cách bắt tay, bạn đã gián tiếp giới thiệu về con người bạn và gây ấn tượng với đối phương. Vì vậy bạn hãy chú ý trong cách bắt tay của mình, rèn luyện để sử dụng kỹ năng này thật hiệu quả, để cho người khác thấy bạn là 1 con người đầy bản lĩnh, tự tin, chân thành.

Khi bắt tay nên đứng lên

Đứng khi bắt tay gần như là một yêu cầu bắt buộc. Khi bạn đang ngồi mà có một người khác chìa tay ra bắt, hãy đứng lên và nắm lấy tay họ, thay vì tiếp tục ngồi và để đối phương phải cúi người xuống. Tất nhiên, trừ trường hợp hạn chế về thể chất như bạn đang ốm nặng, không thể đứng lên được, hoặc không thể di chuyển được, còn thì tư thế bắt tay đúng nhất là tư thế đứng thẳng.


  • 22/01/2017 11:49
  • Nguồn bài: kynanggiaotiepungxu.edu.vn
  • 3669