Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho người lao động làm việc trong lĩnh vực truyền tải điện

Trong khi đại đa số người lao động (NLĐ) có được 6 ngày nghỉ lễ nhân dịp 30/4 và 1/5 năm nay thì để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội, hàng nghìn NLĐ ngành Điện vẫn phải làm việc, trực vận hành suốt 24/24h mỗi ngày. PV Nguyên Long đã phỏng vấn ông Trịnh Tuấn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) về công việc và những chế độ chính sách dành cho công việc đặc thù của NLĐ truyền tải điện (TTĐ):

PV: Thưa ông, không ít NLĐ không có ngày nghỉ lễ, tết, lại phải làm việc trong môi trường khá đặc thù. Vậy, Công đoàn EVNNPT đã quan tâm như thế nào đối với NLĐ làm việc trong các điều kiện đặc thù này?
 
Ông Trịnh Tuấn Sơn: Đặc thù của nghề TTĐ nói chung là như thế, chúng tôi vẫn thường nói, tính chất chung của nghề rồi, chủ yếu NLĐ phải làm việc trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đêm hôm, nóng, lạnh rất bất thường. Cụ thể, NLĐ trong khối vận hành đường dây thì hầu như phải làm việc ở trên các địa hình khó khăn, hiểm trở, thậm chí phải trèo cao. Đối với khối lao động làm việc tại các trạm biến áp thì thường xuyên phải tiếp xúc với điện trường, đặc biệt là những công trình sửa chữa, thay thế thiết bị thì bao giờ cũng phải tiến hành làm ở những thời điểm tải thấp nhất (khi đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia - A0 tạo điều kiện về phương thức, mới cắt điện được). Điều đó cũng đã trở thành nề nếp, ý thức trong anh em rồi, lúc nào anh em cũng chuẩn bị sẵn sàng.
 
Công đoàn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia luôn sát cánh cùng chuyên môn, đặc biệt là trong các dịp như thế này, chúng tôi luôn chủ động đề xuất để vận dụng tối đa các chế độ, chính sách có thể được cho NLĐ, từ việc làm thêm trong điều kiện đặc thù, bám sát các chế độ chính sách của Nhà nước. Lãnh đạo chuyên môn cũng như các ban ngành cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho CBCNV trong ngành Điện nói chung, EVNNPT nói riêng. Các chế độ chính sách cho NLĐ làm việc trong những điều kiện đặc thù như vậy trong suốt thời gian qua về cơ bản đã được đảm bảo.
 
Đồng thời, để kịp thời động viên CBCNV, Công đoàn EVNNPT cũng đã chỉ đạo công đoàn các cấp cơ sở trong toàn hệ thống thường xuyên quan tâm tạo điều kiện động viên NLĐ cả về vật chất và tinh thần, từ việc ăn ca, chế độ ngủ nghỉ… Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn lao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhất là đối với NLĐ làm việc trong điều kiện mà xung quanh là điện trường cao, có rất nhiều rủi ro cho nên càng cần có sự quan tâm về an toàn bảo hộ lao động. Chúng tôi yêu cầu mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV) - đặc biệt trong những lúc như thế này - vai trò của mạng lười ATVSV được phát huy rất cao. Bên cạnh việc thường xuyên đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết thì lực lượng ATVSV luôn sát cánh, vừa động viên nhắc nhở anh em, vừa giám sát để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho NLĐ. Chúng tôi xác định, điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến an toàn cho NLĐ. Và đối với CBCNV trong EVNNPT, trong quá trình quản lý, vận hành đã luôn luôn có ý thức vận hành làm sao phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tiến độ công việc phải đảm bảo, đồng thời công tác an toàn cũng phải được giữ vững. Đó là mục tiêu của Công đoàn EVNNPT và cũng yêu cầu công đoàn cơ sở cũng như chuyên môn đặt ra rất cao trong quá trình tổ chức sản xuất.

Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường thăm hỏi động viên và tặng quà cho CBCNV TTĐ miền Tây trực vận hành trong dịp Tết Ất Mùi 2015

 
PV: Tuy nhiên, có rất nhiều công trình đòi hỏi tiến độ gấp gáp, trong điều kiện làm việc hết sức khó khăn, Công đoàn EVNNPT đã có sự phối hợp với các đơn vị quản lý, người sử dụng lao động như thế nào để đảm bảo các yêu cầu an toàn gắn với tiến độ và chất lượng, thưa ông?

Ông Trịnh Tuấn Sơn: Có lẽ, việc tham gia sâu với chuyên môn đầu tiên mà hệ thống công đoàn các cấp trong Tổng công ty chúng tôi quan tâm chính là việc tham gia sâu ngay từ khâu xây dựng các phương án, đề án làm sao cho khoa học, tối ưu. Tất nhiên, phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, nhưng cũng phải đảm bảo được hiệu quả và tính chất công việc. Cho nên, ngay từ giai đoạn xây dựng các đề án, kiểm soát đề án các tổ công đoàn anh em cũng chủ động tham gia ngay từ các khâu đó. Thứ 2, những thời khắc anh em làm việc trên công trường thì đồng thời với việc mạng lưới ATVSV tham gia cùng rồi, hệ thống công đoàn các cấp (từ công đoàn bộ phận, các tổ công đoàn, công đoàn cơ sở cũng như Công đoàn TCT) cũng thường xuyên xuất hiện vào những thời điểm mang tính chất “nút thắt” hay “điểm nhấn” của công trình, những lúc yêu cầu “găng” về tiến độ thì công đoàn kịp thời đến động viên thăm hỏi NLĐ. Đồng thời, công đoàn cũng tham gia cùng chuyên môn và kêu gọi anh em tìm mọi giải pháp để hợp lý hóa và tối ưu hóa trong quá trình tổ chức thực hiện, để vừa đảm bảo tiến độ công việc, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chúng tôi nghĩ, không có gì hơn bằng việc công đoàn tham gia trực tiếp trong suốt quá trình thực hiện.

PV: Theo ông, các chính sách cho NLĐ trong lĩnh vực TTĐ thời gian qua đã được đảm bảo đầy đủ chưa ? Có cần bổ sung thêm chế độ gì cho NLĐ làm việc trong các điều kiện đặc thù, đặc biệt như vậy không?
 
Ông Trịnh Tuấn Sơn: Với sự quan tâm của lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như các bộ, ban, ngành liên quan thì về cơ bản các chế độ cho NLĐ làm việc đặc biệt trong điều kiện khá đặc thù như vậy cũng đã được hỗ trợ tương đối tích cực thời gian qua. Tuy nhiên, cũng không thể tính hết được công sức, đo lường, định lượng được những khó khăn, vướng mắc mà NLĐ có thể gặp phải trong quá trình tổ chức sản xuất.
 
Từ thực tế quá trình thực hiện, Công đoàn EVNNPT đề xuất, kiến nghị (nếu có thể) các bộ, ban, ngành và các cơ quan hữu quan nên xây dựng một cơ chế đặc thù, cụ thể hơn cho NLĐ làm việc trong ngành Điện, đặc biệt là lĩnh vực TTĐ. Chỉ khi xây dựng được chính sách cụ thể đó mới hy vọng đáp ứng được hết các yêu cầu đặt ra trong quá trình tổ chức sản xuất. Tôi lấy ví dụ, ở các trạm biến áp, NLĐ nhiều khi phải làm việc trong điều kiện điện trường cực kỳ cao. Có một thực tế là khi xây dựng cơ chế chính sách thì cũng đã có quy định về thời gian tham gia ở điện trường từng này thì thời gian làm việc là bao nhiêu, nhưng đôi khi do tiến độ thúc ép, do khống chế về mặt thời gian dẫn đến tần suất xuất hiện của NLĐ có thể phải vượt quá khung định mức cho phép để đảm bảo tiến độ. Những yếu tố như vậy thì tính cũng không hết được. Đó là chưa kể khi xây dựng cơ chế chính sách, nếu các đơn vị xây dựng không trực tiếp tham gia hoạt động trong các điều kiện đặc thù ấy thì các chính sách cũng không thể sát và đúng với điều kiện thực tế sản xuất của ngành được.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 


  • 04/05/2015 02:41
  • Nguồn bài và ảnh: npt.com.vn
  • 1689


Gửi nhận xét