Nhà máy điện Uông Bí: Những năm tháng không thể nào quên

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Nhiệt điện, Trường Trung học điện Sóc Sơn (Hà Nội), tôi được điều động về công tác tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Xin được chia sẻ một vài kỷ niệm để cùng nhớ lại những năm tháng gian khó của người công nhân ngành Điện năm xưa.

Công nhân Điện Uông Bí bình tĩnh điều hành và bám máy sản xuất điện dưới làn bom đạn Mỹ - Ảnh tư liệu

Ngày đó, lớp sinh viên chúng tôi ra trường hầu như đi nhận công tác theo sự điều động của tổ chức. Theo như quyết định, chúng tôi (lớp N6, có 3 người) phải có mặt tại Nhà máy vào tháng 2/1980. Ngày đó, đường bộ ra Quảng Ninh chưa có cầu như bây giờ, tất cả các ngả đường về Uông Bí đều phải qua phà.

Tôi đi từ 5 giờ sáng mà 4 giờ chiều mới tới thị xã Uông Bí. Ngày hôm sau, mang giấy tờ vào Nhà máy báo cáo và nhận việc, tôi được Phòng Tổ chức phân về công tác tại Phân xưởng Máy (tức Phân xưởng Tuốc bin) và chính thức trở thành công nhân ngành Điện.

Tại Phân xưởng, tôi được phân công về kíp 2 và học chức danh Phó lái máy, tức là phụ việc cho người lái máy (máy ở đây là tuốc bin kéo máy phát điện). Cũng từ đây, tôi bước vào cuộc đời ca kíp. 

Vượt qua cơn buồn ngủ

Đối với lớp trẻ, đi ca sợ nhất là buồn ngủ. Hồi đó, khối vận hành có 4 kíp và một ngày đêm có 3 ca. Cứ đi 2 ca thì lại chuyển, bắt đầu là 2 ca đêm, chuyển sang 2 ca ngày và chuyển sang 2 ca chiều là hết vòng ca. Ca ngày từ 8h đến 16h30, ca chiều từ 16h30 đến 1h ngày hôm sau, ca đêm từ 1h đến 8h.

Vòng ca cứ tuần tự như vậy, nếu đi ca đêm, lên giường từ 9h tối, cố chợp mắt để 12h đêm dậy đi làm nhưng thường không thể ngủ được. Vào đến Nhà máy, mắt cứ cay xè. Trong không gian trực, tiếng máy ầm ào, đôi lúc bụi than mờ mịt, người công nhân sau nhận ca, định kỳ 1 tiếng lại đi kiểm tra thiết bị một lần. Tôi còn nhớ để cho công nhân không tựa đầu ra sau ghế ngủ gật, ông Phó quản đốc Phân xưởng đã có một "sáng kiến" là tấm tựa của chiếc ghế thay vì làm phẳng thì ông làm thành hình thoi và người công nhân ngồi trên ghế không thể nào tựa đầu vào sau được.

Gian khổ

Tôi học xong chức danh Phó lái máy trước thời hạn nửa tháng, đảm đương vị trí Phó lái máy 5, 6 (tổ máy Tuốc bin số 5, 6). Đối với những người đi ca vị trí đó, nỗi sợ luôn ám ảnh là: Ngập hố nước đọng không phát hiện được; mòn tết chèn bơm, nước chảy ra nhiều bơm mất chân không sẽ không lên nước và có thể cháy động cơ bơm; mất nước bình ngưng; cháy ổ nối trục do cạn dầu; mất nước làm mát khí H2 và ngập nước hố van tuần hoàn. Nhưng nỗi sợ nhất là ngập nước hố van tuần hoàn, phải thông ống thoát nước.

Vào mùa mưa bão, những trận mưa to ở khu vực Vàng Danh làm cho dòng sông Uông nước đục ngầu và nhiều rác. Bơm nước tuần hoàn dù có lưới chắn rác nhưng ở mặt sàng bình ngưng rác vẫn bám đầy. Cao điểm chiều, tần số điện xuống thấp (ngày đó, tần số thường ở mức 49Hz), lò hơi cháy tốt nhưng chân không bình ngưng thấp không phát điện được, lò xả hơi ầm cả thị xã, chúng tôi lại phải thông rửa bình ngưng để tăng chân không.

Và khi thông rửa bình ngưng thì hố nước van tuần hoàn lại sẽ bị ngập, rác rơi vãi xuống nhiều, không thông kịp thời sẽ có nguy cơ nước ngập động cơ van. Vào ca nào thì phó lái máy ca đó phải thông, lội xuống hố nước hầm van, lấy hơi thật sâu lặn xuống vị trí đầu ống thoát nước, dùng thanh sắt thụt ra thụt vào, cứ ngoi lên lấy hơi rồi lại ngụp xuống đến khi nào rác không còn và nước thoát nhanh là được, có hôm làm cả tiếng đồng hồ.

Xong việc, nước mặn hòa lẫn dầu nhớt bám đầy đầu tóc, da dẻ, chỉ được tắm qua loa vì còn phải trông coi thiết bị. Sau này, qua những đợt sửa chữa lớn cùng với cải tiến thiết bị, chúng tôi không phải lặn ngụp nữa, nhưng đó vẫn là kỷ niệm không thể phai mờ.

Đói

Những năm 1976 - 1979, học tại trường Điện, tôi đã thấm thía thế nào là cái đói. Chúng tôi, trong lúc đứng trước cửa nhà ăn, chờ mở cửa vào ăn cơm, đã xông vào khu vực nấu cơm, lấy cháy đã được cho ra một cái thùng nhôm để dành chăn nuôi. Có những hôm đến nhà ăn sớm xin cháy rồi kéo nhau ra chân Núi Đôi ăn.

Thỉnh thoảng, vào buổi chiều, chúng tôi chia nhau ra thành từng tốp, tốp thì vào cánh đồng làng Minh Tân đi hái ngọn rau lang, tốp thì đi kiếm củi. Rau thái nhỏ, dùng nồi đựng nước uống cho lớp, cho mắm tôm thừa sau bữa ăn tích cóp được vào nồi đun sôi, đổ rau vào nấu canh. Mỗi người được một, hai bát canh ăn vã, không mì chính mà vẫn ngon.

Về Nhà máy, đi làm tưởng hết đói, không ngờ cái đói vẫn đeo đẳng. Tôi ăn ở bếp ăn tập thể Nhà máy. Hàng tháng được phát một tập phiếu ăn, mỗi bữa đi ăn xé một vé như cái tem thư bây giờ. Ngày hai bữa, sáng và chiều. Đưa vé cho chị nhà bếp sẽ được một bát cơm, chút thức ăn mặn và bát canh "toàn quốc", nước mắm "đại dương" thì ở sẵn một chậu rồi.

Chúng tôi đi ca, sáng 7h30, chiều 16h đã đi vào Nhà máy nên thường gửi vé cho bác Kiên và bác Cửu là hai người được phân nhiệm vụ gánh cơm ca cho công nhân. Ăn trước khi vào ca thì khi làm về rất đói. Ngày đó hầu như không dám đi ăn phở như bây giờ và cũng rất ít quán ăn. Gửi cơm ca được các bác ấy lấy nhiều cơm hơn nhưng những cặp lồng đựng cơm và thức ăn thì bẩn, màu nhôm phai ra trông rất sợ. Ăn trong Nhà máy lại ầm và bụi. Nói chung là phương án nào cũng bất cập. Để không phải đói thì chỉ có ăn riêng là tốt nhất, tức là cắt cơm ở nhà ăn, hàng tháng lĩnh gạo về và tự nấu, cũng khẩu phần gạo đó nhưng tự nấu dôi cơm ăn no, có khi không hết tiêu chuẩn gạo.

Nhưng có phải ai cũng được ăn riêng đâu. Phải là người có tiền sử bệnh tật dễ lây, sức khỏe yếu và đặc biệt là phải có ý kiến đồng ý của bác sĩ trưởng trạm xá. Tôi cũng đã nhiều lần xin ăn riêng nhưng không được, mãi về sau, năm 1989, khi nhận nhiệm vụ Trưởng ca Nhà máy mới xin được ăn riêng, nhưng từ năm đó trở đi thì cái đói cũng đỡ hơn rồi, phần vì tuổi tác, phần vì điều kiện sống cũng đã được cải thiện.

Tổn thất về người

Khu tập thể Nhà máy có hai nhà 3 tầng và một nhà 4 tầng, đa số quê Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định. Cuộc sống khó khăn, đồng lương ít ỏi phải dành dụm về cho bố mẹ hoặc vợ con nên có đói cũng không dám cải thiện nhiều, khắc phục gian khổ và tiết kiệm. Ngày đó, cánh công nhân quê đồng bằng, sau ca đêm, vào dịp nước triều xuống thường rủ nhau đi đánh giậm ngoài bãi sú cuối nguồn sông Uông (là sông dẫn nước vào trạm bơm tuần hoàn của Nhà máy) kiếm cua, cá, tôm tép để cải thiện.

Hôm đó, sau ca đêm, một số anh em quê Thái Bình ở tập thể hẹn anh Nguyên là công nhân bậc 5, lò trưởng, nhà ở bến chợ chiều (cũng người Thái Bình) đi đánh giậm. Sáng ra, thủy triều xuống, mấy anh em đánh giậm lội qua sông dễ dàng. Khi thủy triều lên, ra về thì nước sông đã lên to, lúc đó không thể lội qua sông Uông được nữa mà phải bơi. 

Khi cùng nhau bơi sang đến bờ phải thì không thấy anh Nguyên đâu nữa, mấy anh em lặn xuống tìm không được, vội báo về Phân xưởng. Nhà máy tập trung nhân lực dùng thuyền ra vị trí lặn ngụp tìm kiếm, dùng cả đến dây thừng chăng dưới lòng sông rà quét và cả đến phương án tâm linh nữa nhưng vẫn không thấy. Đến sáng hôm sau, khi nước xuống, mới tìm thấy anh. Anh nằm ngay vị trí mà đội tìm kiếm đã từng lặn ngụp. Năm đó, anh Nguyên mới gần 40 tuổi, để lại người vợ trẻ và 2 con dại. Một người thợ trẻ bậc cao, có năng lực đã không thể tiếp tục cống hiến cho Nhà máy nữa.

Gian khổ nhưng vinh quang

Chuyện tôi kể lại là những năm gian khó của đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, công cuộc đổi mới đang đi những bước đầu tiên. Tất cả những người lao động trong cơ quan, hầm mỏ, nhà máy và trên các công trường, cả những người nông dân đều chấp nhận một cuộc sống gian nan, thiếu thốn.

Ai cũng tự răn mình là phải khắc phục khó khăn để cùng hoàn thành nhiệm vụ. Con người khi đó nghĩ cho mình ít lắm và luôn hết mình vì tập thể. Cuộc sống tuy gian khổ nhưng thanh thản và vui vẻ, đoàn kết, tương thân, tương ái. Nhà máy điện Uông Bí vào những năm đó là nhà máy nhiệt điện to nhất Đông Nam Á, là nhà máy điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam. Với sự cố gắng không mệt mỏi, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là con chim đầu đàn của ngành Điện lúc bấy giờ.


  • 15/12/2014 05:33
  • Phạm Xuân Khoát (Nguyên Ủy viên BCH Công đoàn Công ty Nhiệt điện Uông Bí)
  • 2126


Gửi nhận xét