Ông Nguyễn Trọng Tràng
|
Đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những chuyện cũ cách đây mấy mươi năm, ông kể lại rõ ràng, rành mạch như mới xảy ra ngày hôm qua.
Ông tốt nghiệp Trường Trung cấp nghiệp vụ - Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công thương). Ra trường, ông được nhận vào làm công nhân điện ở Nhà máy Dệt 8/3. Đến đầu thập niên 60 của thế kỷ XX mới chính thức chuyển công tác sang ngành Điện lực.
Hồi đó, ông Tràng được phân công về đội quản lý các trạm biến áp trên toàn khu vực Hà Nội. Thời kỳ này, ông Tràng được làm việc cùng với những kỹ sư, công nhân từ thời Pháp của Nhà máy Đèn Bờ Hồ. “Họ có tay nghề rất giỏi và giàu kinh nghiệm. Bởi vậy, mình cũng nhanh chóng học hỏi được những kiến thức quý báu về nghề nghiệp, đặc biệt là trong vấn đề an toàn lao động” – ông Tràng chia sẻ.
Đến năm 1964, ông chuyển về đội quản lý lưới điện khu vực Gia Lâm khi ấy vừa mới thành lập, gồm có 8 đồng chí và gắn bó cho tới khi nghỉ hưu.
Ông Tràng kể lại, thời gian đó, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Tại thủ đô Hà Nội, nhiều trạm điện, cột điện, đường dây bị phá huỷ và hư hỏng nặng. “Dù hoàn cảnh lúc đó vô cùng thiếu thốn, vất vả, nhưng với tinh thần tự giác, trách nhiệm và ý chí chiến đấu, những người thợ điện không sợ hiểm nguy vừa lo sơ tán, bảo vệ cơ sở vật chất, vừa trực chiến để kịp thời khắc phục sự cố ở những nơi bị hư hỏng do địch đánh phá, đặc biệt là những trọng điểm như cầu Long Biên, cầu Đuống, kho xăng Đức Giang, Nhà máy xe lửa Gia Lâm…”.
Khi đất nước thống nhất, cũng như các ngành khác, ngành Điện bắt tay vào phục hồi, hàn gắn và phát triển lưới điện nhằm đáp ứng yêu cầu về điện cho sự phát triển của Thủ đô. “Lưới điện Hà Nội toả đi từng thôn, xã, thắp sáng từng ngôi nhà, góc phố. Niềm hạnh phúc của chúng tôi khi ấy đơn giản là được kéo điện phục vụ bà con nhân dân, phục vụ sản xuất”.
40 năm công tác trong ngành Điện, với ông Tràng, có biết bao kỷ niệm vui buồn. Song, điều mà ông tâm đắc nhất trong suốt quá trình công tác chính là niềm tự hào, niềm tin yêu của nhân dân đối với thợ điện; là sự đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong công việc của cán bộ, nhân viên trong đơn vị; là sự liêm khiết, tình thương yêu của cán bộ cấp trên với anh em công nhân…
Ngành Điện Cách mạng Việt Nam đã tròn 60 năm xây dựng và phát triển, ông bảo, thế hệ trẻ bây giờ có nhiều điều kiện để học tập nên rất giỏi giang. “Mong các cháu hãy luôn giữ vững lòng yêu nghề, sự trung thực và luôn xứng đáng với niềm tin yêu của người dân” – đó là lời nhắn nhủ tâm huyết của người cán bộ lão thành trọn đời gắn bó với dòng điện Thủ đô gửi đến thế hệ người làm điện trẻ hôm nay.