Phải làm thế nào để người dân chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của ngành Điện, để khi bị cúp điện họ vẫn có thể nở nụ cười rộng lượng, khi giá điện có tăng thì họ không xì xào bàn tán và trở thành đề tài "hot" trong xã hội.
Ảnh minh họa
|
Câu trả lời tốt nhất là, dựa vào nhu cầu của công chúng để sáng tạo ra những đề tài – chủ đề và tìm các phương tiện thích hợp để “kể chuyện”.
1. Nhu cầu được đảm bảo nguồn điện cho sinh hoạt, sản xuất
Người dân ở những vùng chưa có điện rất cần biết bao giờ sẽ có điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất? Người dân thành thị muốn được báo trước và biết cụ thể thời gian cắt điện kèm theo lời giải thích rõ ràng, tại sao, khi nào? Liệu những năm tới có còn tình trạng thiếu điện không? EVN đang triển khai những dự án gì để đảm bảo điện? …
Dựa trên những câu hỏi đó, EVN sẽ xây dựng “chiến lược, phát triển” và “cam kết”. Sử dụng tất cả các kênh truyền thông đại chúng (truyền hình, phát thanh, báo mạng, báo giấy, mạng xã hội), những câu chuyện này sẽ giúp người dân hiểu rõ những dự án mà EVN đang triển khai, kế hoạch vận hành các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, các công trình nâng cấp lưới điện, đường dây truyền tải… Đồng thời qua đó, EVN cũng phải đưa ra lộ trình cam kết của mình trong việc cung cấp đủ nguồn điện, phủ lưới điện quốc gia, giúp người dân yên tâm.
Ở câu chuyện này, EVN có thể tìm những cách kể chuyện mới lạ, hấp dẫn. Ví dụ trên truyền hình có Bản tin thời tiết thì EVN cũng có thể làm Bản tin Điện lực, phát vào buổi sáng hàng ngày. Bản tin này sẽ gồm 3 nội dung chính:
- Cung cấp lịch cắt điện (nếu có) của những vùng – khu vực cụ thể theo bản đồ Việt Nam/bản đồ thành phố, nguyên nhân của việc cắt điện.
- Thông tin về những sự cố điện trên toàn quốc (mưa giông, sụt lở, đổ cột điện, cháy trạm biến áp…) – những lưu ý với người dân để tránh nguy hiểm – tình trạng khắc phục.
- Thông tin về những khu vực tiếp tục được phủ lưới điện quốc gia, các dự án bắt đầu triển khai, các công trình – nhà máy được khánh thành…
2. Nhu cầu được cung cấp điện ổn định, công khai, minh bạch giá điện…
Người dân không thích nghe 2 từ “tăng giá”, bởi giá điện tăng khiến cho giá cả hàng hóa khác cũng tìm cớ leo thang, chi phí cho sinh hoạt, sản xuất bị đội lên. Vì vậy, thông qua truyền thông, EVN phải giải tỏa được “bức xức” của người dân bằng câu chuyện về “giá”. Trước hết, EVN cần nỗ lực công khai, minh bạch mọi câu chuyện liên quan đến chi phí, giá thành, giá bán điện. Chỉ khi công khai thì người dân mới “phục” và thông cảm, sẽ không còn hoặc chắc chắn sẽ ít đi những lời “ong, ve” về giá điện.
Không chỉ sử dụng các kênh PR truyền thống, EVN có thể tận dụng ngay mặt sau của “hóa đơn tiền điện” hàng tháng, in các thông tin cần thiết lên đó nhằm giúp người dân hiểu về cơ sở tính giá điện hoặc cơ sở mỗi lần tăng giá. Đây là công cụ rất hữu hiệu để giúp truyền tải thông điệp và câu chuyện về “giá”.
3. Đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, kỹ năng xử lý các sự cố điện
Để mỗi nhân viên là một “Đại sứ thiện chí”
Bên cạnh truyền thông bên ngoài ngành Điện cũng cần đẩy mạnh kênh truyền thông nội bộ. EVN cần biến cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Điện thành những người kể chuyện. Đằng sau gần 100.000 nhân lực ngành Điện là chừng ấy hộ gia đình, đó là chưa kể hàng triệu hộ khác là người thân, bạn bè, đối tác của cán bộ, nhân viên người lao động ngành Điện. Khó ai có thể hơn họ khi kể về những câu chuyện của mình!
Họ là những đại sứ thiện chí của ngành Điện với xã hội, đồng thời lại là lực lượng làm nên sự thành bại của EVN. Một trong những cách thức tốt nhất để làm truyền thông nội bộ chính là văn hóa doanh nghiệp, công cụ sẽ góp phần biến đám đông rời rạc thành một đội ngũ thống nhất, hùng hậu, tận tâm, tận lực, đồng sức, đồng lòng cho sự phát triển của doanh nghiệp.
|
Không chỉ kể chuyện về mình, EVN nên xây dựng nên những câu chuyện để kết nối với công chúng, qua đó giúp ích cho người dân trong việc sử dụng điện.
EVN hoàn toàn có thể xây dựng một series phim ngắn (dạng như “Tôi yêu Việt Nam” của Honda) để hướng dẫn người dân cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm: Ví dụ, cách sử dụng điều hòa, tủ lạnh, tivi, máy giặt… tiết kiệm điện; giới thiệu những sản phẩm ứng dụng công nghệ tiết kiệm điện; cách sửa chữa các hỏng hóc về điện thường gặp trong gia đình; các sự cố điện có thể xảy ra trong nhà – ngoài trời, cách xử trí để tránh tai nạn, cách sơ cứu, cấp cứu khi xảy ra tai nạn điện…
Ngoài các kênh truyền thông, EVN có thể tổ chức các hoạt động truyền thông cộng đồng trực tiếp như: Tổ chức các lớp tập huấn miễn phí cho người dân (tại phường, xã) về kỹ năng ứng phó – xử trí với các sự cố về điện. Hoặc một cách trực tiếp nhất: Hàng tháng, khi đi thu tiền điện sẽ có thêm 1 nhân viên giúp từng hộ dân kiểm tra các đồ điện trong gia đình, tư vấn cách sửa chữa, hướng dẫn cách xử trí… Những hoạt động truyền thông trực tiếp này sẽ mang lại hiệu quả lớn, đồng thời giúp EVN tạo thiện cảm với từng người dân – khách hàng.
4. Để người dân thấu hiểu những khó khăn, và biết được những thành quả của ngành Điện
Khai thác, tận dụng mạng xã hội
Ngoài các kênh truyền thông hiện có của Tập đoàn, để công chúng có thể hiểu - rồi - yêu, EVN cần tiếp tục đẩy mạnh việc đưa thông tin, tăng cường sự xuất hiện trước công chúng thông qua mạng xã hội: Facebook, Youtube… Với Facebook, EVN nên xây dựng Fanpage chuyên nghiệp, thu hút lượng người “like” và thường xuyên chia sẻ những thông tin hữu ích trong cộng đồng Facebook… Với Youtube, sẽ rất hữu hiệu nếu EVN đầu tư sản xuất những clip vui nhằm tuyên truyền về việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn; hoặc có một kế hoạch đầu tư bài bản cho hệ thống video clip của EVN trên trang này.
|
Đây là 1 “nhu cầu” rất có lợi cho EVN, bởi từ đây, EVN có thể đưa ra vô số các câu chuyện để giúp người dân hiểu mình hơn. Gợi ra các câu chuyện và kể chuyện một cách sinh động về những thành quả của ngành Điện, về những tấm gương người lao động; những hy sinh, vất vả, cống hiến của họ khi đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; về những đặc thù của lao động ngành Điện (địa bàn làm việc rộng, nhiều khó khăn, thiếu thốn, vất vả, độ nguy hiểm, độc hại cao...).
Ví dụ gần đây nhất là sự kiện đưa điện ra Phú Quốc là một chiến dịch “kể chuyện” rất thành công. Thành công không phải chỉ là cấp thông tin về dự án, về tiến độ (nghĩa là không phải nhờ số liệu, dữ liệu), mà thành công vì những người làm truyền thông sự kiện đó đã biết “lẩy” các câu chuyện về sự đổi thay của người dân trên đảo, sự phát triển của kinh tế, xã hội nhờ dòng điện lưới quốc gia. Thậm chí, chính những câu chuyện ly kì về quá trình thi công, những ứng dụng về khoa học kỹ thuật của ngành Điện đối với dự án cũng vô cùng thu hút công chúng…
Bằng những câu chuyện và cách kể chuyện sáng tạo, người dân sẽ thấy từng nhu cầu của họ được EVN đáp ứng, từ đó thiện cảm, yêu mến và sự sẻ chia của người dân với EVN cũng sẽ từng bước được nâng cao.