Câu chuyện của Shiseido Việt Nam

Vụ kiện tụng của các cổ đông người Việt bị chèn ép, "hất cẳng" ra khỏi Shiseido Việt Nam có thể xem là một điển hình về việc thôn tính của các đại gia lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

(ảnh minh họa)

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, xử lý theo pháp luật về đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhiều người phản ánh về những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH mỹ phẩm Shiseido Việt Nam (gọi tắt là SCV - công ty có 100% vốn nước ngoài).

Câu chuyện phản ứng gay gắt của nhiều nhà đầu tư trong nước với SCV về thương hiệu mỹ phẩm tiếng tăm Shiseido thực sự đã "lùm xùm" từ nhiều tháng nay, thậm chí các nhà đầu tư đã từng nhiều lần thẳng thừng tuyên bố: Sẽ đóng cửa hàng loạt cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm Shiseido có phần hùn vốn của họ, sẽ khởi kiện SCV ra tòa án quốc tế....

Sở dĩ thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Shiseido được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng trong nhiều năm qua là có sự góp sức không nhỏ của hàng chục nhà đầu tư trong nước. Khởi thủy vào năm 1996, những nhà đầu tư này thông qua nhà phân phối độc quyền các sản phẩm Shiseido tại Việt Nam lúc bấy giờ là Công ty TNHH TM - XD Thủy Lộc để cùng hợp tác kinh doanh.

Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu không diễn ra sự chuyển giao quyền lực giữa Thủy Lộc và SCV vào thời điểm đầu năm 2010, tức là phía Công ty Thủy Lộc đã bị ép bán toàn bộ quyền quản lý, điều hành và kể cả phần hùn của dơn vị này tại các cửa hàng bán lẻ cho phía SCV.

Chính vì sự chuyển giao này mà liên tiếp trong 2 năm trở lại đây, các nhà đầu tư trở nên điêu đứng khi các cửa hàng bán lẻ Shiseido có phần hùn của họ ngày càng làm ăn bê bết và bắt đầu trượt dài trên con đường thua lỗ triền miên, khoản doanh thu không bù được các khoản chi. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại không nắm bắt được về những thông tin kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ do phía SCV đã không thông báo lại....

Do đó, hàng chục nhà đầu tư trong nước đã phản ứng lại Thủy Lộc và đặc biệt là SCV vì họ cho rằng họ đang đối mặt với một âm mưu bị thôn tính, bị hất cẳng ra khỏi cuộc chơi.

Các nhà đầu tư đã tìm nhiều cách để bảo vệ quyền lợi của mình, thế nhưng kết quả cũng không khá hơn. Họ vẫn nhận được sự im lặng né tránh từ phía SCV. Các nhà đầu tư cũng đã đề nghị Thủy Lộc và SCV mua lại phần hùn hoặc bồi thường một khoản bù lại công sức của họ đã bỏ ra hơn chục năm qua để xây dựng nên thương hiệu Shiseido như ngày hôm nay.

Được biết riêng về phía Thủy Lộc đã bán hết phần hùn của mình, bán luôn quyền quản lý điều hành, nhưng về mặt pháp lý đơn vị này vẫn còn đứng tên trong hệ thống các cửa hàng bán lẻ, có nghĩa vụ đóng thuế... với Nhà nước. Do đó, mới đây phía Thủy Lộc đã cử luật sư làm việc và nhiều lần trao đổi bằng văn bản với SCV về việc đề nghị chấm dứt hợp đồng quản lý điều hành, không còn dính dáng tới tài khoản bán lẻ của công ty đã lỗ hơn 30 tỷ đồng, tính trong khoản thời gian 2 năm khi SCV tham gia quản lý điều hành công việc kinh doanh tại hệ thống bán lẻ.

Bà Lê Hoài Anh - đại diện Công ty Thủy Lộc, cho biết, nếu phía SCV không chịu đàm phán và bồi thường cho các nhà đầu tư cũng như duy trì cách quản lý yếu kém như hiện nay, thì phía đơn vị của bà sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc đưa ra tòa án kinh tế để đạt được mục đích này.

Từ năm 2008, 1 năm gia nhập WTO, theo thống kê của hãng tư vấn danh tiếng của Mỹ, là AT Kearny về việc xếp hạng thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) thì, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất hành tinh đối với các nhà phân phối nước ngoài. 2 năm sau (tức năm 2010) thứ hạng này của Việt Nam chỉ còn thứ hạng thứ 14 và đến cuối năm 2011 này thì bị rớt hạng đến mức thứ 23, sau cả một số nước cùng khu vực như: Philippine, Malaysia....

Nhưng theo dự báo của Tiến sĩ Phạm Tất Thắng - Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ công thương), giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ ở Việt Nam vẫn ớ mức cao, 23 - 25%/năm và dưới nhãn quan của các nhà kinh tế nước ngoài thì thị trường Việt Nam vẫn là 1 trong 5 thị trường sinh lời nhất.

Do đó, có thể là trong tương lai không xa sẽ diễn ra nhiều cuộc thôn tính của các nhà phân phối nước ngoài tại thị trường bán lẻ Việt Nam, và để đạt được kế hoạch thôn tính đó, những nhà phân phối nước ngoài có thể bất chấp thủ đoạn, lách luật, trốn thuế... để đạt được mục đích của mình trên thị trường có tới 89 triệu dân như Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra cho thị trường bán lẻ Việt Nam là: Nếu như hãng mỹ phẩm Shiseido Nhật Bản này có thể lách luật Việt Nam xin mở hàng chục cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc và nhân đó thôn tính các nhà bán lẻ trong nước, thì cói lẽ, chỉ sau một thời gian không xa nữa các thương hiệu lớn như Lancome, Chanel... và các hãng nổi tiếng khác với số vốn khổng lồ họ sẽ dễ dàng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ như cách mà Shiseido đã làm với các nhà đầu tư của họ.

Để hạn chế những âm mưu thôn tính có thể xảy ra trong quá trình đầu tư làm ăn với các đối tác nước ngoài, thậm chí là giữa những nhà đầu tư trong nước với nhau, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo. Đó là khi đầu tư, hùn vốn kinh doanh, đặc biệt là trong kênh bán lẻ, các nhà đầu tư cần tỉnh táo hơn và đặc biệt phải biết tự bảo vệ mình.

Cụ thể hơn, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nên rõ ràng, cụ thể trong các hợp đồng ký kết làm ăn, phải ràng buộc với nhau bằng những điều khoản, quy định của pháp luật. Có như thế, ra sân chơi lớn, các nhà đầu tư Việt Nam mới không thiệt thòi, không bị chèn ép và kể cả những cơ quan quản lý Nhà nước cũng không phải vất vả, đứng ra phân giải những vụ thôn tính, như trường hợp của vụ Shiseido.


  • 17/09/2012 02:40
  • Theo doanhnghiepmoi.net
  • 3801


Gửi nhận xét