Ảnh minh họa.
|
Còn nhớ, giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới,lúc đó tôi đang là sinh viên.Nhân dịp Tết, tôi đến chơi nhà người anh họ làm việc tại Tổng Công ty Xăng dầu Hà Nội. Buổi tối, sân cơ quan sáng trưng ánh điện.Tiếng giã giò rộn rã xen lẫn tiếng nói cười ròn tan của mọi người, không phân biệt là cán bộ lãnh đạo hay nhân viên đang túc trực bên nồi bánh trưng công đoàn. Anh tôi nói về chuyện Công đoàn lo mua gạo nếp, thịt lợn, măng khô, mỳ chính…cho anh em với một niềm tự hào của một người làm trong một cơ quan nhà nước. Ở quê tôi, miền trung du của tỉnh Bắc Giang, anh là người “oai” nhất làng vì đi xe Honda về ăn Tết, năm nào cũng mang 2 cây giò nạc, một túi bánh chưng và rượu, mứt tết làm quà Tết cho gia đình.
Nhiều năm sau, khi đã đi làm ở Hà Nội, mặc dù hàng hoá ê chề, song mỗi dịp Tết đến, tôi vẫn rất vui và lo chuyện mua giò, bánh chưng, mứt tết…tại Nhà ăn Liên Cơ ở phố Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội mang về quê biếu bố mẹ và họ hàng.Những “người tiêu dùng thông thái” thân tín nhờ tôi mua ở đây không vì giá rẻ hơn một chút, chất lượng hơn một tý so với bên ngoài, mà vì họ tin rằng ở một nhà ăn phục vụ Trung ương thì vệ sinh an toàn thực phẩm bảo đảm hơn. Các nhân viên làm việc ở đây cũng nói với tôi rằng, hàng ở đây do cơ quan đặt, có kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm đàng hoàng.
Tôi cũng muốn tin như vậy và có một niềm tự hào được mang “giò trung ương” về quê ăn Tết như anh tôi hai chục năm trước. Nhưng cũng có năm tôi không thể vui được vì mua nhiều giò trước vài ngày, gặp thời tiết nóng, khi cắt ra đã có mùi ôi. Nguyên nhân chính là công nghệ bó giò ở đây cũng chạy theo năng suất, hiệu quả của người sản xuất: Dùng túi nylông gói giò sống rồi bọc lá trước khi luộc... Vài cái Tết như vậy đã lấy mất của tôi niềm vui và tự hào được biếu, tặng “giò trung ương” rồi.
Kinh tế nước ta đã chuyển đổi, mức thu nhập của cán bộ, công nhân viên và người dân đã tăng lên nhiều nhưng chuyện chăm lo ngày Tết của anh em lại có vẻ nhạt đi, nhất là phần hồn của Tết; có vẻ thiếu đi cái gì đấy. Nhạt đi một phần vì thiếu hình ảnh của lãnh đạo quây quần bên nhân viên như trong một đại gia đình cùng chuẩn bị Tết; vì lãnh đạo quá bận rộn với công việc, với nhiệm vụ “đối ngoại” mà trở nên xa cách, không chia sẻ với anh em. Công đoàn giờ cũng lo đi họp nhiều nên câu chuyện vui nhất cũng chỉ là chia tiền quỹ, trợ cấp Tết…
“Có thực mới vực được đạo”. Mức thưởng tiền dịp Tết cho cán bộ, nhân viên đã là một chủ đề nóng trong nhiều năm gần đây, được xã hội chấp nhận như là thước đo sự thành đạt của DN và mức độ quan tâm tới nguồn lực con người.Tết năm ngoái, đến chúc Tết ông cậu, tôi hãnh diện khoe, con trai làm việc cho Viettel chưa được 5 năm, mới lên chức phó phòng đã có mức lương cao hơn bố - một giám đốc DNNN gần 60 tuổivà có mức thưởng đủ lo Tết cho cả nhà. Có thể đây là yếu tố đầu tiên thuộc về văn hoá doanh nghiệp để các công ty như Viettel thu hút được nhiều nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao? Ở một thái cực khác, đáng buồn là tại một số DN làm ăn bết bát, cuối năm CBCNV phải đấu tranh,đòi lãnh đạo trả số tiền lương còn nợ, để có tiền về quê ăn Tết.
Còn nhiều DN tuy vẫn có lợi nhuận, song cứ mỗi dịp Tết đến, công đoàn phải thương lượng với lãnh đạo DN nhiều lần để có được mức thưởng hợp lý cho anh em. Tại những DN này, cái gọi là VHDN dù đã được xây dựng, công bố, cũng chỉ là mang tính hình thức, trang trí, thiếu thực chất.Thời thế đã thay đổi. Tại các DN vào dịp Tết trước đây nhiệm vụ công đoàn là tìm nguồn thực phẩm cung cấp cho công nhân viên, nay là chuyện chia “nồi cơm chung” cho công bằng, là nhiệm vụ đấu tranh với giới chủ về phân phối thu nhập, mức trợ cấp và thưởng Tết.
Các cụ nhà ta thường dạy rằng, vấn đề cho như thế nào còn quan trọng hơn cho bao nhiêu; không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Chế độ lương thưởng công bằng (đối lập với cào bằng), hiệu quả đã trở thành một nội dung của VHDN và mức độ văn minh được đo bằng sự khoa học, tính nhân văn và công khai, minh bạch. Về hình thức lễ hội, một số công ty hiện nay vẫn tổ chức lễ tổng kết, mừng công, khen thưởng và tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc vào dịp năm mới một cách chất lượng và hiệu quả: Mặc dù làm việc ở Nội Bài nhưng NIAGS thường tổ chức Lễ tổng kết năm cũ và chào mừng năm mới ở khách sạn 5 sao tại nội thành, tạo cơ hội cho cả gia đình các thành viên của Công ty cùng tham dự, chia sẻ niềm vui . Hội làng là lễ mừng năm mới đặc sắc của FPT với truyền thống các lãnh đạo cấp cao nhất của Tập đoàn cùng xắn tay làm thịt lợn, gói bánh chưng… chuẩn bị Tết cùng nhân viên …Tinh thần và các giá trị dân chủ, đoàn kết, hoà đồng của DN qua các hoạt động như vậy được hiện thực hoá và củng cố.
Chuyện lương, thưởng, được chi trả vào dịp Tết vừa giải quyết nhu cầu cơ bản nhất của người lao động, đồng thời cũng là sự ghi nhận đóng góp, tưởng thưởng và tôn vinh của tổ chức, DN đối với mỗi thành viên của tổ chức đó vào thời gian thiêng liêng đối với cá nhân, gia đình và dân tộc. Khi việc chăm lo Tết của DN trở thành một lễ hội truyền thống, thực chất, hiệu quả, thì nó không chỉ là một nét đẹp, bản sắc của VHDN từ bề nổi mà còn có thể trở thành một giá trị được đồng thuận,một hành vi, hoạt động mặc định,đóng góp, hoá thân vào niềm tin và nền tảng của hệ thống VHDN đó. Do vậy, các DN cần tận dụng dịp Tết để triển khai, phát triển VHDN của mình theo các chuẩn mực chân – thiện – mỹ. Mặt khác, chúng ta cũng cần chống lại những “thói hư, tật xấu” thường bùng phát trong dịp lễ tết như đua đòi, sĩ diện, lãng phí, biếu xén, tham nhũng, hối lộ, chia chác…