Sự cần thiết của việc tuyên truyền những giai thoại, huyền thoại trong doanh nghiệp

Những giai thoại, huyền thoại trong doanh nghiệp, câu chuyện về người sáng lập được coi như phần văn hóa truyền miệng của doanh nghiệp. Những câu chuyện này góp phần tạo nên một hình ảnh tích cực về doanh nghiệp, đem lại niềm tự hào cho các thành viên trong doanh nghiệp về nơi mình làm việc.

Ngay cả các doanh nghiệp mới thành lập cũng có những giai thoại của mình, thông thường là về người sáng lập. Những giai thoại, huyền thoại về doanh nghiệp luôn đem lại những lợi ích nhất định. Những câu chuyện này thường kể về người sáng lập doanh nghiệp đã vượt qua những thử thách cam go như khủng hoảng tài chính, chiến tranh, thua lỗ… như thế nào. Ví dụ, mọi thành viên của Hewlett – Packard đều có thể kể cho chúng ta nghe, những người sáng lập công ty đã gây dựng công ty từ một gara xe hơi mà phát triển được như ngày nay. Ngay từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Nike đã tuyên truyền về lịch sử của công ty, thường được thực hiện dưới dạng những buổi học dành cho nhân viên mới. Ngày nay, việc tuyên truyền này trở thành mục tiêu đầu tiên trong chương trình huấn luyện định hướng cho nhân viên mới, thường kéo dài 2 ngày.

Brad Silverberg, Phó chủ tịch cấp cao tại Microsoft giai đoạn 1990 - 1999 từng chia sẻ câu chuyện về Bill Gate: Không lâu sau khi gia nhập Microsoft năm 1990, Bill, tôi và vài người khác trong bộ phận Windows bay từ New York tới Seattle để gặp khách hàng. Windows 3.0 vừa ra mắt trước đó một thời gian ngắn. 25 năm trước, Microsoft đã là công ty phát đạt song theo chính sách, mọi người đều phải ngồi khoang thường. Và Bill Gates cũng ngồi đó ở ghế giữa. Ông ấy không phiền gì cả mà chỉ đọc sách suốt chuyến bay. Điều này cũng gây ấn tượng cho tôi, một nhân viên mới, khi thấy lãnh đạo làm gương như vậy.

Những câu chuyện này có tác dụng rất tích cực trong việc phổ biến những quy tắc, giá trị, niềm tin trong doanh nghiệp và trở thành quy tắc hướng dẫn hành động cho nhân viên.

Tuy nhiên để việc phổ biến các giai thoại của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, cần tuân theo một số nguyên tắc sau:

- Chỉ nên kể những câu chuyện ngắn. Những mẩu chuyện này chỉ nên ở mức vài ba phút để không gây cảm giác nhàm chán cho người nghe.

- Sử dụng những cụm từ gây ấn tượng và dễ nhớ để tạo ấn tượng cho người nghe.

- Cốt chuyện phải đơn giản, xoay quanh một mục đích với tối đa là 3 nhân vật. Không nên kể những chuyện phức tạp với quá nhiều nhân vật sẽ làm người nghe lúng túng.

- Cuối câu chuyện, hãy làm rõ thông điệp mà bạn muốn gửi cho người nghe thông qua giai thoại này. Ví dụ: Khi người lãnh đạo công ty Nike kể lại việc một trong những người sáng lập công ty – Coach Bowerman đã đổ cao su lỏng vào một cái khuôn làm bánh quế của gia đình để thử tạo mẫu cho đế giày. Mục đích của câu chuyện này không phải để nhắc đến mẫu giày “bánh quế” của Nike mà muốn nhấn mạnh đến tinh thần sáng tạo của Nike.

- Cần luyện tập thường xuyên để có thể truyền đạt những giai thoại và ý nghĩa của chúng đến người nghe một cách trôi chảy và thuyết phục. Cách kể chuyện thuyết phục nhất là kể một cách tự nhiên, có vẻ như không sắp xếp trước. Nhưng chính cách này đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị nhất.


  • 09/01/2015 02:30
  • Nguyễn Thúy
  • 4964


Gửi nhận xét