“Này, bạn làm tốt đấy!”
Ảnh minh họa.
|
Chủ tịch Tập đoàn Ritz-Carlton - Tập đoàn Khách sạn lớn nhất thế giới, ông Simon Cooper đã tạo dựng một môi trường văn hóa doanh nghiệp mà ở đó, nhân viên được tôn trọng, động viên để làm tốt công việc phục vụ khách hàng và gắn bó lâu dài với tổ chức. Các nhà quản lý của Ritz-Carlton không chú trọng vào những việc nhân viên làm sai. Thay vào đó, họ giúp các nhân viên của mình hoàn thiện công việc được giao và thường sử dụng các cuộc họp để khen ngợi nhân viên. Việc phê bình chỉ được thực hiện một cách riêng tư theo công thức “khen - chê - khen”…
Và hình thức thưởng “nóng” chính là câu nói "Cảm ơn bạn, bạn làm tốt lắm!". Một hình thức khen thưởng nhanh gọn và không tốn kém đôi khi lại có tác dụng khuyến khích rất lớn đối với nhân viên. Thậm chí, đôi khi Ritz-Carlton còn viết những lời khen ngợi ra giấy hoặc văn bản để nhân viên của ông có thể giữ lại, luôn tự hào và nhắc nhở mình làm tốt mọi công việc hơn nữa.
Vé đi làm muộn
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã tạo ra những chiếc vé đặc biệt cho phép những nhân viên làm việc xuất sắc trong năm được đi làm muộn. Đây chắc chắn là một trong những cách khen thưởng độc nhất vô nhị trên thế giới. Ý tưởng này bắt nguồn từ chính sách khuyến khích nhân tài, dành cho người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi bên cạnh gia đình trong những ngày nghỉ lễ. Cách làm trên vừa tiết kiệm chi phí lại vừa là niềm mơ ước, khát khao đối với những người làm việc ở một công ty áp dụng hình thức trừ lương nếu đến muộn.
Trao cho nhân viên một số đặc quyền…
Di chuyển bằng xe riêng có người đưa đón, giải quyết công việc từ xa mà không cần đến công ty, làm việc trong văn phòng riêng có không gian rộng rãi, cảnh quan đẹp là những đặc quyền mà nhà điều hành Wegmans Food Markets (chuỗi nhà hàng ẩm thực nổi tiếng của Mỹ) trao cho nhân viên đạt thành tích cao trong mỗi tháng.
Những đặc quyền này thông thường chỉ dành cho các cấp lãnh đạo, nên khi áp dụng cho các nhân viên cấp dưới sẽ trở thành động lực khiến họ phải phấn đấu để được trải nghiệm. Việc chia sẻ một trong những đặc quyền của lãnh đạo cho nhân viên xuất sắc nhất là một ý tưởng không tồi. Khi lựa chọn hình thức khen thưởng này, Ban lãnh đạo Wegmans Food Markets còn đưa ra tiêu chí rõ ràng và chọn lọc những quyền lợi không ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Để nhân viên cắt giảm khối lượng công việc theo ý muốn
Ai cũng có lúc cảm thấy nhàm chán những công việc phải làm hàng ngày. Bạn nghĩ sao nếu trao cho nhân viên đặc quyền được cắt giảm công việc ít ưa thích nhất và bạn - với cương vị quản lý sẽ giúp đỡ họ “gánh vác” trong khoảng thời gian một ngày/một tuần? Đây là một ý tưởng thưởng khá sáng tạo và được áp dụng tại Tập đoàn Lưu trữ dữ liệu NetApp (Mỹ).
Tuy nhiên, để quy trình làm việc không bị đảo lộn, việc xác định phạm vi các công việc nhân viên có thể lựa chọn “cắt giảm” là điều cần thiết. Lúc đó, cấp trên cũng có thể trở thành một đồng nghiệp, hỗ trợ những công việc vốn là nhiệm vụ hàng ngày của nhân viên. Điều này sẽ trở thành nguồn động viên vô cùng ấn tượng và tạo ra tâm lý thoải mái của nhân viên dưới quyền.
Tăng lương
Tăng lương là một hình thức khen thưởng phổ biến và có phần “kinh điển”, nhưng luôn mang lại hiệu quả rõ rệt. Lương bổng chính là thước đo sức lao động mà nhân viên bỏ ra làm việc. Tăng lương sẽ khuyến khích, tạo động lực cho nhân viên làm tốt hơn nữa công việc của mình, tạo được niềm tin và sự gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp có ý định khen thưởng cho một nhân viên nào đó, điều quan trọng nhất không phải là họ được thưởng bao nhiêu, mà là cách doanh nghiệp đánh giá thành quả lao động xứng đáng với nỗ lực của họ như thế nào. Lãnh đạo doanh nghiệp cần chắc chắn rằng, mình có kỹ năng giao tiếp tốt, đủ để những phần thưởng trao đi được đón nhận một cách hài lòng, vui vẻ.