Yếu tố “hấp dẫn” khách hàng của một doanh nghiệp không đơn thuần dựa trên những giải thưởng (hàng chất lượng cao), xếp hạng (số “sao”) hay những khẩu hiệu quảng cáo phô trương, sáo rỗng, mà ở sự cảm nhận, lòng tin và và sự quý mến của khách hàng đối với một doanh nghiệp hay một thương hiệu qua nhiều thử nghiệm trong suốt thời gian dài.
Một ví dụ minh họa, khi bạn muốn uống cà phê, có rất nhiều quán để bạn lựa chọn: Cà phê Giảng ở Nguyễn Hữu Huân, cà phê Phố cổ ở Hàng Gai, Highlands Coffee, Starbucks Coffee... Những quán này đem đến cho bạn một lợi ích lý tính giống nhau: Những ly cà phê thơm phức, nhưng họ lôi cuốn bạn bằng những văn hóa cảm xúc khác nhau – đó là thương hiệu. Những nhãn hiệu quốc tế thành công thực sự có khả năng vượt qua biên giới địa lý, vì nó chiếm được trái tim và tình cảm của người tiêu dùng khắp nơi, đến nỗi thậm chí người ta không còn nhớ sản phẩm đó của nước nào sản xuất.
Hình minh họa
|
Xây dựng thương hiệu chính là làm thế nào để một thương hiệu đọng lại lâu trong tâm trí khách hàng. Đây là cách chiếm lĩnh bền vững, bởi vì nó chinh phục tình cảm và niềm tin của khách hàng. Các chuyên gia gọi đó là “chia sẻ tâm trí”. Một thương hiệu khi đã tạo được niềm tin nơi khách hàng thì chính khách hàng này sẽ là “cầu nối” cho thương hiệu đó. Họ sẽ chia sẻ với những người gần gũi, thân thuộc và nhờ sợi dây tình cảm và niềm tin sẵn có, người tiêu dùng mới sẽ dễ bị thuyết phục.
Cứ thế mà tiếng tốt lan tỏa rộng. Mọi sự dẫn dụ, mọi biện pháp tác động vào giác quan khách hàng (bằng nhãn hiệu, sử dụng quảng cáo, khuyến mãi) đều không phải là cách chiếm lĩnh lâu dài, nếu không có sự chia sẻ tâm trí khách hàng. Thương hiệu thành công phải là thương hiệu được “lưu giữ” trong tâm trí và trái tim của khách hàng. Hãy nỗ lực khắc sâu những mối quan hệ tình cảm gắn kết trong bản sắc thương hiệu của bạn, bởi vì sự thật là các khách hàng chỉ mua sản phẩm theo những nhãn hiệu mà họ cảm thấy thoải mái, thích thú chứ không hoàn toàn vì đặc điểm hay lợi ích mà sản phẩm đó mang lại.
Thương hiệu thu hút khách hàng hữu thức và vô thức. Chúng là những cấu trúc hữu hình, nhưng cũng vô hình. Chúng lôi cuốn cảm xúc cũng như lý trí của khách hàng. Vì sao nhiều khách hàng trên thế giới thích dùng iPhone? Có nhiều lý do khiến iPhone đến nay vẫn là smartphone được ưa chuộng nhất. Đầu tiên phải kể đến là thương hiệu Apple. Trong thập kỷ qua, Apple đã trở thành một trong những thương hiệu đáng tin cậy và nổi tiếng nhất trong thế giới công nghệ cao, do đó trong quan niệm của nhiều người tiêu dùng, sở hữu một chiếc iPhone cũng đồng nghĩa với sự sang trọng và sành điệu.
Một thương hiệu mạnh trước hết phải tạo được văn hóa cho nó, nền văn hóa này trở thành một phần văn hóa của xã hội. Trang bị cho thương hiệu một sức sống văn hóa tức là trang bị một bản sắc và sức bật nội tại để có khả năng thích nghi được với sự thay đổi trong những hoàn cảnh kinh doanh khác nhau.
Ví dụ, Trung Nguyên đã tận dụng yếu tố “dân tộc” định vị nhãn hiệu cà phê của mình như một phần văn hóa truyền thống Việt Nam. Họ đã thành công khi đưa giá trị và văn hóa quốc gia thổi hồn vào từng ly cafe “Ban Mê” và mang nó đến với bạn bè thế giới. Logo mũi tên là hình ảnh cách điệu của nhà rông Tây Nguyên – nơi khơi nguồn của cà phê Trung Nguyên, hình mũi tên hướng thẳng lên trời thể hiện ý chí chinh phục đỉnh cao, khát vọng vươn lên, phát triển vượt bậc. Ba vạch trắng trên logo là hình ảnh cách điệu của lối lên nhà sàn, thể hiện văn hóa của công ty luôn muốn duy trì bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Bảng hiệu của Trung Nguyên với sắc nâu là chính vì đó là màu của đất, của cà phê, của cội nguồn dân tộc. Hình ảnh Trung Nguyên mang đậm nét văn hóa dân tộc, từ ly tách, bàn ghế, màu sắc bảng hiệu đến đồng phục, cung cách phục vụ,… nhằm mục đích, khi Trung Nguyên đến quốc gia nào thì người dân bản địa ở đó cũng có được cảm giác như đang nghỉ ngơi từ 10 – 15 phút trong một Việt Nam thu nhỏ, trước khi đến đất nước Việt Nam.