Văn hóa tiết kiệm theo phương thức quản trị tinh gọn

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững, yếu tố tiết kiệm giữ vai trò rất quan trọng. Trong đó, "quản trị tinh gọn" được coi là triết lý và phương pháp thực hiện văn hóa tiết kiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Nhận diện các lãng phí từ góc độ "Quản trị tinh gọn"

 Sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing - SXTG) và Quản trị tinh gọn (Lean Management - QTTG) được khởi ngồn từ Công ty Toyota từ những năm 1950 và được phổ biến tại các nước phát triển sau đó 2, 3 thập kỷ.

QTTG trước hết là một tư duy và triết lý quản lý giúp con người cắt giảm tối đa chi phí và sự lãng phí, được TS. Nguyễn Đăng Minh và cộng sự (2013) diễn giải bằng công thức sau: 

 Lợi nhuận = Doanh thu – chi phí (1)

Trong đó: Chi phí = Chi phí thực + Chi phí lãng phí (2)

Chi phí lãng phí = Chi phí lãng phí hữu hình + Chi phí lãng phí vô hình (3)

Các chuyên gia quốc tế và nước ta đã nhận diện được 10 loại (chi phí) lãng phí vô hình và hữu hình trong DN. Đó là: (1) sản xuất dư thừa; (2) sản phẩm/dịch vụ lỗi; (3) tồn kho; (4) di chuyển; (5) chờ đợi; (6) thao tác thừa; (7) gia công thừa; (8) sửa sai; (9) thiếu thông tin, quy trình; (10) tiềm năng con người.

Thực hành Văn hóa tiết kiệm theo thuyết QTTG

Lý thuyết QTTG có một hệ thống các phương pháp thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí trong doanh nghiệp và các tổ chức khác theo 3 công cụ quản lý sau đây:

a. 5S: Thực hiện đồng bộ 5 khâu/công việc chính của một quá trình quản trị, bao gồm: 1/Sàng lọc (Seiri): Phân loại và bỏ đi những thứ không cần thiết. 2/Sắp xếp (Seiton):  Sắp đặt những thứ cần thiết ngăn nắp, gọn gàng để lấy và cất dễ dàng. 3/Sạch sẽ (Seiso): Làm vệ sinh thường xuyên, giữ nơi làm việc sạch sẽ. 4/Săn sóc (Seiketsu): Duy trì tiêu chuẩn cao nơi làm việc bằng cách giữ mọi thứ đều sạch sẽ, ngăn nắp. 5/Sẵn sàng (Shitsuke): Đào tạo mọi người đều thực hiện 5S một cách tự giác và trở thành một bộ phận trong VH của DN.

b. Kaizen: (Kai: liên tục, Zen: cải tiến) Là một triết lý và phương pháp quản trị thực hiện các cải tiến liên tục, từ nhỏ đến lớn, nhằm tạo ra chất lượng và hiệu quả công việc cao hơn. Mục tiêu chính của Kaizen là cải tiến không ngừng nhằm loại bỏ các lãng phí và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. Quản trị của Kaizen theo 3 tiêu chí chính: Sự tham gia của tất cả mọi người, tại bất cứ bộ phận nào, vào bất cứ thời điểm nào, nhằm phát huy trí tuệ tập thể, năng lực sáng tạo của mọi người lao động, nuôi dưỡng văn hóa hợp tác, cải tiến để vươn tới sự hoàn hảo.

c. Quản lý trực quan: (Mieruka) Là phương pháp quản lý công việc dựa trên các dữ liệu được được hiển thị trực quan và công khai bằng hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu…dễ nhận biết mục tiêu, tình hình, giải pháp, các kết quả kinh doanh của DN. Trực quan hóa công việc quản trị là một bộ phận của VHDN nhằm thu hút mọi người quan tâm những vấn đề chung của tổ chức, cung cấp thông tin và truyền cảm hứng, cảm xúc vào thực hiện công việc.

Ngoài 3 cấu phần trên, hệ thống quản trị sản xuất và DN Nhật Bản hiện đại còn gồm có các phương pháp, công cụ hỗ trợ khác như TQM (Quản lý chất lượng tổng thể), TPM (Duy trì năng suất tổng thể), JIT (Sản xuất tức thời), Heijunka (Bình chuẩn hóa)… đều có chung một triết lý và văn hóa quản trị QTTG.

Áp dụng QTTG vào nước ta có tiềm năng và hiệu quả rất to lớn song cũng gặp phải những rào cản, khó khăn cần tháo gỡ, trước hết là từ phương diện văn hóa. Trong khi các nước giàu có như Nhật Bản, Đức… nổi tiếng với lối sống tiết kiệm, hiệu quả thì Việt Nam dù còn rất nghèo song lại có nhược điểm từ văn hóa truyền thống là dễ chạy theo hình thức, đua đòi, sĩ diện.., nên những người có tâm lý căn cơ, tiết kiệm không được coi trọng, bị phê phán là kiểu người “ki bo, kiệt sỉ”; còn những người vô lo, thiếu tính toán lại được khen là sống “vô tư”, “thoáng”, “chịu chơi”, làm “hoành tráng”… Mặc khác, do thể chế còn nhiều bất hợp lý, bộ máy cồng kềnh, trách nhiệm không rõ ràng, thu nhập chưa hợp lý..., nên người lãnh đạo, quản lý thường không thích ở trong một hệ thống quản trị chặt và không muốn dày công, gương mẫu thực thi VHDN theo triết lý và công nghệ của QTTG.

Vì vậy, xây dựng VHDN ở nước ta theo phương thức QTTG đòi hỏi trước hết người lãnh đạo phải có tầm nhìn, lối sống vượt trên cả sở thích cá nhân và các hạn chế của văn hóa dân tộc, cơ chế quản lý hiện nay; có quyết đoán, cam kết mạnh mẽ và thực sự nêu gương trong xây dựng, phát triển tổ chức và cộng đồng sống - làm việc văn minh, tiết kiệm và hiệu quả. 


  • 16/09/2014 09:44
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2521


Gửi nhận xét