Nhân viên công ty Zappos. Ảnh: Forbes
|
Zappos, một công ty chuyên bán giày dép trực tuyến với đặc điểm nổi bật là hàng được vận chuyển tới tận nhà cực nhanh, và hoàn toàn miễn phí, quá trình vận chuyển hoàn trả cũng sẽ được công ty chịu khi khách cảm thấy không hài lòng với sản phẩm. Đối với Zappos, trải nghiệm của khách hàng là yếu tố được đặt lên hàng đầu, nên mỗi nhân viên của công ty phải là người hết lòng tận tâm với khách hàng như văn hóa của Zappos. Làng bán lẻ còn truyền nhau một câu chuyện về việc nhân viên phục vụ khách hàng của Zappos gửi hoa đến viếng một khách hàng có mẹ vừa qua đời.
Xây dựng được công một ty thấm nhuần tôn chỉ như vậy đã khó, để duy trì hình mẫu công ty còn khó hơn, nên quá trình tuyển dụng của Zappos nổi tiếng là gắt gao. Ví dụ, khi đến được vòng phỏng vấn rồi, các ứng viên sẽ phải làm một bài kiểm tra gồm nhiều câu hỏi kỳ cục, kiểu “Chi phí vận chuyển tiêu chuẩn của Zappos là bao nhiêu?”, câu trả lời đúng là “0 USD”. Hay câu hỏi “Nếu được là một siêu nhân, bạn sẽ chọn là ai?”.
Những câu hỏi vô thưởng vô phạt này lại chính là công cụ giúp công ty tìm ra được ai sẽ là người thích hợp với văn hóa “làm hết mình, chơi hết mình cùng nhau” của Zappos. Ví dụ với câu hỏi thứ hai, nếu người trả lời ghi là “Tôi không thích các loại siêu nhân”, anh ta gần như chắc chắn bị loại, bà Christa Foley – giám đốc quản lý phòng nhân lực của công ty cho biết. “Chúng tôi chẳng quan tâm bạn có thích siêu nhân không, như Người Dơi, Người Nhện…, nhưng chủ đích của câu hỏi là nhắm tới tính hài hước của ứng viên, liệu bạn có phù hợp không?”, bà tiết lộ.
Zappos được Tạp chí Fortune vinh danh là "1 trong 25 công ty lý tưởng nhất để đầu quân". Một trong những câu trả lời có thể khiến ứng viên bị loại khác nữa là nói “tôi không thích giao lưu cùng đồng nghiệp sau giờ làm”. Câu nói như vậy vi phạm giá trị cốt lõi của Zappos: ”Xây dựng đội ngũ làm việc tích cực có tinh thần của một gia đình”.
Yếu tố cuối cùng được yêu cầu là “khiêm tốn”. Bà Foley kể về chuyện một giám đốc kỹ thuật được tuyển vào vị trí đã trống người trong hơn 1 năm qua. Anh ta đến muộn 5 phút trong buổi huấn luyện trả lời điện thoại thứ hai, được nhận một bài thuyết giảng về văn hóa đúng giờ của công ty, nhưng anh ta lại tiếp tục đến muộn vào ngày hôm sau. “Chúng tôi không cho anh ta vào. Và anh nổi khùng lên, hỏi những câu kiểu "Cô có biết tôi được tuyển vào vị trí nào không?", "Cô có biết tôi từng làm ở đâu không?". Nhưng Zappos không định làm “rầu” văn hóa công ty bằng một "con sâu" như vậy, nên họ đã sa thải anh ta ngay ngày hôm đó, bà Foley cho biết.
Thế nên tại Zappos, vượt qua được buổi phỏng vấn không đồng nghĩa với việc bạn sẽ được nhận. Trong một bài phỏng vấn với The Wall Street Journal, CEO Tony Hsieh tiết lộ về một “chiêu” công ty dùng để sàng lọc những cá nhân phù hợp với văn hóa công ty. “Rất nhiều trong số các ứng viên của chúng tôi từ nơi xa đến, chúng tôi sẽ điều xe bus của Zappos đến đón họ, đưa họ đi một vòng thăm quan, và dành thời gian còn lại để phỏng vấn”, ông kể. “Cuối buổi phỏng vấn, người tuyển dụng sẽ tìm gặp lái xe bus và hỏi họ về thái độ của ứng viên. Không cần biết anh/cô ta trả lời phỏng vấn tốt đến đâu, nếu người lái xe không được đối xử tử tế, chúng tôi cũng loại anh/cô ta”. Thực ra một số người có thể viện cớ rằng họ bị lệch múi giờ và căng thẳng trước buổi phỏng vấn, nhưng không gì có thể biện minh cho việc đối xử tệ và bất lịch sự với một người vì họ chỉ là nhân viên lái xe bus.
Nhưng đến đây cũng chưa xong, ông Hsieh kể, công ty còn đặt nhân viên mới qua vòng thử thách trong 4 tuần, bao gồm nhiều nhiệm vụ như phổ biến lịch sử, văn hóa công ty, và hai tuần trực tiếp trả lời điện thoại với khách hàng thật. “Rất khó để "diễn" trong suốt một tháng ấy”, Hsieh khẳng định. Các ứng viên chỉ nhận được công việc chính thức khi vượt qua giai đoạn này.
Một câu chuyện thú vị nữa về công đoạn hậu tuyển dụng của Zappos là sau một tuần chính thức làm việc, nhân viên mới sẽ được gọi lên phòng nhân sự, đặt vấn đề thôi việc cùng 3.000USD cho một tuần vừa qua, hoặc chọn ở lại và không được nhận khoản tiền “thưởng nóng” đó nữa. Theo Hsieh tiết lộ, chỉ 3% người chấp nhận khoản tiền đó, 97% còn lại khẳng định họ không chọn công việc vì tiền. Điều này thể hiện sự tự tin của Zappos, công ty dám cược tiền "tươi" để đánh đổi lấy nhiệt huyết và sự trung thành của nhân viên.