Văn hóa doanh nghiệp hình thành từ những kinh nghiệm học hỏi

Có những giá trị văn hóa doanh nghiệp không thuộc về văn hóa dân tộc, cũng không phải do nhà lãnh đạo sáng tạo ra mà do tập thể nhân viên trong doanh nghiệp tạo dựng nên, được gọi là những kinh nghiệm học hỏi được. Chúng hình thành vô thức, hoặc có ý thức và ảnh hưởng của chúng đến hoạt động của doanh nghiệp có thể tích cực cũng có thể tiêu cực.

Hình thức của những giá trị học hỏi được thường rất phong phú:

- Những kinh nghiệm tập thể của doanh nghiệp: Đây là những kinh nghiệm có được khi xử lý các vấn đề chung. Sau đó chúng được tuyên truyền và phổ biến chung trong toàn đơn vị và tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ sau. Đó có thể là những kinh nghiệm về giao dịch với khách hàng, về phục vụ theo yêu cầu của khách hoặc cũng có thể là kinh nghiệm ứng phó với những thay đổi…

- Những giá trị được học hỏi từ các doanh nghiệp khác: Mỗi doanh nghiệp đều có văn hóa riêng của mình. Chính văn hóa tổ chức làm nên nét riêng biệt của từng doanh nghiệp, giúp phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Tuy nhiên có một số giá trị có thể học tập được, chia sẻ được.

Điều quan trọng là cần xác định được giá trị đó có phù hợp với doanh nghiệp, tổ chức của mình hay không. Không nên học tập một cách máy móc, mà phải chọn lọc những giá trị phù hợp, áp dụng vào doanh nghiệp một cách linh hoạt, sáng tạo. Những giá trị được học hỏi từ các doanh nghiệp khác có thể là kết quả của quá trình nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, của những chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp trong một ngành, của những khóa đào tạo… Thông thường ban đầu có một nhóm nhân viên của doanh nghiệp tiếp thu những giá trị và tuyền lại cho đồng nghiệp khác hoặc những người này tự ý tiếp thu chúng… Sau một thời gian các giá trị này trở thành “tập quán” chung cho toàn doanh nghiệp.

Hình minh họa

- Những giá trị văn hóa được tiếp nhận trong quá trình giao lưu với nền văn hóa khác: Đây là trường hợp phổ biến đối với các công ty đa và xuyên quốc gia, các doanh nghiệp gửi nhân viên tham dự những khóa đào tạo ở nước ngoài, các doanh nghiệp có đối tác là người nước ngoài. Để tồn tại trong môi trường kinh doanh phức tạp, đa văn hóa, các doanh nghiệp không thể duy trì văn hóa doanh nghiệp giống như những lãnh địa đóng kín cửa mà phải mở cửa và phát triển giao lưu về văn hóa.

Việc phát triển văn hóa giao lưu sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp học tập, lựa chọn những khía cạnh tốt về văn hóa của các doanh nghiệp khác nhằm phát triển mạnh nền văn hóa của doanh nghiệp mình và ngược lại. Ví dụ, người lao động phương Tây có thể học được tinh thần làm việc tập thể của người Nhật, người Ả Rập có thể học hỏi thói quen đúng giờ của người Mỹ…

- Những giá trị do một hay nhiều thành viên mới mang lại: Việc tiếp nhận những giá trị này thường trải qua một thời gian dài, một cách có ý thức hoặc vô thức. Ví dụ khi chưa có nhân viên này, doanh nghiệp chưa có thói quen giải quyết khiếu nại của khách hàng trong vòng 24h (thói quen của nhân viên mới). Do thực hiện tốt công việc, nhân viên đó được khách hàng gửi thư khen ngợi, được giám đốc khen thưởng. Các nhân viên khác cũng noi gương đó, dẫn đến hình thành nên nét văn hóa mới trong doanh nghiệp.

- Những xu hướng hoặc trào lưu xã hội: Một ví dụ điển hình là việc sử dụng email trong công việc. Phong cách làm việc của nhân viên cũng thay đổi theo đó. Trước kia, mọi việc cần trao đổi đều phải qua gặp mặt trực tiếp hoặc điện thoại. Giờ đây, có thể trao đổi mọi công việc với đồng nghiệp, đối tác trong và ngoài nước qua thư điện tử, nhanh gọn và tiết kiệm chi phí. Ở nhiều doanh nghiệp, nhân viên chuộng dùng email vào các vấn đề “phi công việc” như thăm hỏi, mời mọc, trêu đùa nhau… Văn hóa điện tử đang dần được hình thành trong nhiều doanh nghiệp.


  • 24/07/2014 03:29
  • Thảo Nguyên
  • 3200


Gửi nhận xét