Chánh niệm trong kinh doanh: Đối lập hay giao thoa

Thích Nhất Hạnh, thiền sư 87 tuổi, người được coi như bậc thầy về chánh niệm ở phương Tây nói rằng chỉ cần các doanh nhân thực hành chánh niệm “thực sự” thì dù rằng ý đồ ban đầu là để làm việc hiệu quả hơn hay kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong kinh doanh cũng không phải là vấn đề. Vì việc thực hành chánh niệm về cơ bản sẽ thay đổi quan điểm của họ về cuộc sống và sẽ khiến con người, một cách tự nhiên, mở lòng từ bi và hình thành mong muốn kết thúc sự đau khổ của người khác.

Chánh niệm hiện đang trở thành một khái niệm phổ biến trong giới doanh nhân. Trong những tháng gần đây nhiều nhân vật lãnh đạo chủ chốt đã chia sẻ công khai tác dụng của chánh niệm đối với họ và công việc của họ.

Khajak Keledjian, CEO của Intermix tuần trước đã chia sẻ bí mật của ông về việc giữ cân bằng nội tâm trên tờ The Wall Street. Ariana Huffington, chủ bút của tờ Huffington Post đã thảo luận về chánh niệm trong “Thrive”, cuốn sách mới xuất bản tuần này của bà. Huffington đã viết: “Đây là một nền kinh tế khó khăn… Giảm stress và thực hành chánh niệm không chỉ khiến cho bạn mạnh khỏe hơn, hạnh phúc hơn mà nó còn là một lợi thế cạnh tranh đã được chứng minh cho bất kỳ doanh nhân nào”. Những doanh nhân khác như Mark Bertolini - CEO của Aetna, Marc Benioff - CEO của Salesforce.com, Tony Hsieh - CEO của Zappos.com… cũng đều thực hành thiền.

Nhưng khi nói đến những lợi ích cơ bản đó của chánh niệm, liệu rằng có phải các doanh nhân đang làm hỏng những giá trị cốt lõi của đạo Phật?

Thích Nhất Hạnh, thiền sư 87 tuổi, người được coi như bậc thầy về chánh niệm ở phương Tây nói rằng chỉ cần các doanh nhân thực hành chánh niệm “thực sự” thì dù rằng ý đồ ban đầu là để làm việc hiệu quả hơn hay kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong kinh doanh cũng không phải là vấn đề. Vì việc thực hành chánh niệm về cơ bản sẽ thay đổi quan điểm của họ về cuộc sống và sẽ khiến con người, một cách tự nhiên, mở lòng từ bi và hình thành mong muốn kết thúc sự đau khổ của người khác.

Thầy nói với phóng viên của tờ Guardian: “Nếu con biết thực hành chánh niệm, con sẽ biết làm thế nào để tạo ra hòa bình và niềm vui ngay tại đây, ngay bây giờ. Con sẽ trân trọng điều đó và nó sẽ thay đổi con. Lúc đầu con tin rằng nếu con không được đứng ở vị trí số một con sẽ không hạnh phúc. Nhưng nếu con thực hành chánh niệm con sẽ sẵn sàng từ bỏ cách nghĩ đó. Chúng ta không cần phải sợ hãi rằng chánh niệm chỉ là phương tiện, không phải là kết quả. Bởi vì trong chánh niệm, phương tiện và kết quả là một. Không có con đường dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường”.

Nhưng Thầy, thiền sư của hàng trăm nghìn học viên trên toàn thế giới cũng chỉ ra rằng nếu người ta thực hành chánh niệm chỉ với mục đích cá nhân, ích kỉ thì thực ra họ chỉ được trải nghiệm cái bóng mờ nhạt của chánh niệm mà thôi. “Nếu con thực hành chánh niệm chỉ để có được thật nhiều tiền thì con chưa chạm đến mục đích thực sự của chánh niệm”, thầy nói “trông con có vẻ như đang thực hành chánh niệm, nhưng nội tâm của con không có niềm vui, không có sự thanh thản, không có hạnh phúc thì đó chỉ là sự giả tạo. Nếu con không cảm nhận được tình bằng hữu và sự thân thiện tại nơi con làm việc thì đó không phải là thực hành chánh niệm thực sự”.

Khó tránh bị nhạo báng

Dù rằng chánh niệm đang phát triển mạnh, nhưng vẫn không ít người lo lắng bị chế giễu bởi nó liên quan đến Phật giáo cổ đại.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Jim Yong Kim, người mà cuốn sách yêu thích của ông chính là cuốn “Sự kỳ diệu của chánh niệm” của thầy Thích Nhất Hạnh, ca ngợi việc thực hành chánh niệm của thiền sư là “vô cùng tận tâm và giàu lòng trắc ẩn đối với những người đang đau khổ”. Gần đây, chủ tịch Jim Yong Kim đã mời Thầy đến trụ sở chính của ngân hàng tại Washington trong một sự kiện lớn được nhiều nhân viên biết đến.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (người thứ 3 từ trái sang)tại trụ sở Ngân hàng Thế giới

Việc làm này không tránh khỏi sự phê phán và trên thực tế tờ Economist đã có một bài báo chỉ trích. Nhưng chủ tịch Kim vẫn cương quyết. Ông nói rằng ông có thể đánh bại mọi sự chỉ trích bởi đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh lợi ích của việc thực hành chánh niệm.

Điểm giao nhau giữa chánh niệm và công nghệ

Có lẽ điểm giao thoa thú vị nhất trong giới doanh nghiệp là điểm giao thoa giữa chánh niệm và công nghệ, dù chúng dường như đang đi theo hai hướng ngược chiều nhau. Thực hành chánh niệm hướng tới việc tĩnh tại nội tâm và loại bỏ suy nghĩ trong khi cuộc cách mạng số hướng tới đẩy nhanh tốc độ của cuộc sống và lấp đầy thông tin nhất có thể.

Trên thực tế, chánh niệm và công nghệ lại có một lịch sử gắn bó lâu đời. Steve Job, CEO của Apple đã bị mê hoặc bởi phương pháp thiền của Phật giáo. Chánh niệm có ảnh hưởng tới lối sống ở California, nơi đặt trụ sở của rất nhiều công ty công nghệ đã nhiều thập kỷ nay.

Bởi vậy, không phải là một bất ngờ lớn khi thầy Thích Nhất Hạnh, người đã bán được hơn 2 triệu cuốn sách ở Mỹ, được Google mời đến thăm Silicon Valley và thầy cũng được mời làm người hướng dẫn trong một buổi thực hành chánh niệm cho các CEO của 15 công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Thông điệp của Thầy dành cho các nhà lãnh đão công nghệ mà Thầy đã gặp đó là sử dụng những ảnh hưởng mang tính toàn cầu của họ để góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ để có được càng nhiều tiền càng tốt.

Thầy và một nhóm các thầy tu khác đã dành một ngày tại trụ sở chính của Google để trò chuyện với các nhà quản lý cấp cao và hướng dẫn khoảng 700 nhân viên của Google thực hành thiền và thảo luận về chánh niệm. Có quá nhiều nhân viên muốn tham gia đến mức công ty phải mở thêm hai điểm để mọi người có thể cùng nghe bài giảng của Thầy.

Thầy đã nói về sự đối lập giữa tốc độ làm việc điên cuồng hàng ngày tại các công ty công nghệ và cảm giác về sự tĩnh tại nội tâm khi ngồi thiền trong tĩnh lặng của chánh niệm. “Không khí hoàn toàn khác hẳn”, Thầy nói, “có sự tĩnh lặng và bình thản đến từ việc không làm gì cả. Và trong không gian đó chúng ta có thể nhận thấy giá trị của thời gian”.

Lời khuyên dành cho nền công nghiệp công nghệ cao

Trong suốt chuyến thăm với chủ đề “dự định, sự đổi mới, sự sáng suốt”, thầy Thích Nhất Hạnh đã gặp gỡ nhiều kỹ sư giỏi của Google để thảo luận về cách thức sử dụng công nghệ cao vào việc thay đổi thế giới theo chiều hướng tích cực hơn, thay vì làm tăng thêm căng thẳng cho con người hoặc tăng thêm sự cô lập giữa con người với con người hoặc giữa con người và thiên nhiên.

“Khi họ sáng tạo ra một thiết bị điện tử mới, họ có thể cân nhắc xem liệu rằng thiết bị đó có kéo con người ra xa khỏi chính bản thân họ, gia đình của họ và thiên nhiên xung quanh”, ông nói “hoặc thay vào đó họ sẽ tạo ra một thiết bị điện tử mới, một phần mềm mới có thể giúp con người trở về với chính bản thân họ và quan tâm đến cảm xúc của chính họ. Khi tạo ra một sản phẩm như vậy, họ cũng sẽ cảm thấy vui vì đã tạo ra một sản phẩm tốt cho xã hội”.

Sau khi hướng dẫn một buổi thiền và tham dự một bữa tiệc trà,Thầy Thích Nhất Hạnh nói chuyện với một nhóm các tỉ phú về việc họ, với tư cách cá nhân, cần giảm bớt thời gian cho công việc và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình: “Thời gian không phải là tiền, thời gian là cuộc sống, thời gian là tình yêu”.

Trở về tu viện Plum Village (Pháp), Thầy nói về chuyến đi của mình: “Trong cả chuyến đi, tôi nói với họ rằng hãy điều hành công việc của họ theo cách có thể đem hạnh phúc đến cho tất cả các nhân viên trong công ty. Chúng ta dùng tiền để làm gì nếu có nhiều tiền hơn đồng nghĩa với việc chúng ta đau khổ hơn? Họ cũng nên hiểu rằng khi họ có những mong muốn làm việc tốt thì họ cũng hạnh phúc hơn bởi làm cho xã hội tốt đẹp hơn là một việc làm có ý nghĩa”.

Thiền sư cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang gieo những hạt giống và cần có thời gian để hạt giống nảy mầm và phát triển. Nếu như họ bắt đầu thực hành chánh niệm, họ sẽ trải nghiệm niềm vui, hạnh phúc, sự chuyển biến, sự thay đổi trong khát vọng. Sự nổi tiếng, quyền lực và tiền không thể đem đến hạnh phúc thực sự khi so sánh với một lối sống mà với nó bạn có thể chăm sóc được sức khỏe, thể chất và tinh thần của bạn”.


  • 18/04/2014 10:08
  • Lê Thu (biên dịch theo http://www.theguardian.com/sustainable-business)
  • 2977


Gửi nhận xét