Niềm vui nơi làm việc - Yếu tố cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp

Nhân viên không tìm kiếm hạnh phúc ở nơi làm việc, điều họ thực sự tìm kiếm là niềm vui, động lực khiến họ muốn tới công ty mỗi ngày. Và quan trọng là công ty không cần phải chi nhiều tiền để đạt được điều đó mà chỉ cần xây dựng tốt nền văn hóa doanh nghiệp hiện hữu.

Trong một thập kỷ đồng hành trợ giúp các doanh nghiệp châu Á đổi mới, những tổ chức nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp trên thế giới đã phát hiện ra rằng các giải pháp để đem niềm vui lại nơi làm việc, thực tế lại đơn giản và tiết kiệm đến đáng ngạc nhiên. Những sáng kiến này, dù có ích theo cách riêng của nó, chỉ có thể có hiệu quả bền vững nếu như văn hóa doanh nghiệp được đổi mới từ trong ra ngoài.

Ảnh minh họa.

Nếu như không có sự đổi mới này, dù văn phòng trông có đẹp đẽ đến như thế nào, có tổ chức những bữa tiệc kỹ lưỡng, cầu kỳ đến bao nhiêu, nhân viên vẫn không hài lòng trong công việc. Mỗi năm, để tạo ra niềm vui và sự hài lòng của nhân viên, các công ty phải đầu tư hàng triệu đô để tổ chức các buổi tiệc, dạ hội, tổ chức các chuyến dã ngoại và xây dựng đội nhóm, tạo ra những thứ mang tính hình thức như xây dựng những phòng tập cho nhân viên, chăm sóc con cái nhân viên để khiến họ vui vẻ.

Lý do thực chất nằm ở chỗ những trao đổi hàng ngày nơi công sở không còn truyền cảm hứng cho họ và các quy trình làm việc không còn khuyến khích sự hợp tác giữa các nhân viên trong nội bộ tổ chức. Dưới đây là 6 cách đơn giản để đem niềm vui và sự thoải mái thực sự trở lại nơi công sở:

1. Mục đích rõ ràng

Sai lầm của các lãnh đạo là cho rằng nhân viên cần phải được truyền cảm hứng để làm việc, nhưng thực tế, họ không cần điều đó! Họ chỉ cần hiểu rõ lý do tại sao phải làm công việc đó và giá trị công việc đang làm. Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp rất giỏi đặt ra những mục tiêu, nhưng lại rất kém trong việc giải thích rõ ràng lý do mục tiêu đó được đặt ra cũng như vai trò khi mỗi nhân viên.

Để đảm bảo mỗi nhân viên có thể hiểu rõ, người lãnh đạo cần làm việc này mỗi tháng và với nhân viên ở mọi cấp độ. Đặc biệt với các giám đốc cấp trung, nếu như họ thất bại trong việc tin tưởng và cẩn trọng diễn đạt mục đích công việc, thì sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng các nhân viên triển khai công việc và gây ra rất nhiều hậu quả. Do vậy, việc có những khóa đào tạo nội bộ cho lãnh đạo cấp trung là vô cùng quan trọng, để giúp họ truyền đạt mục đích cũng như giá trị của công việc một cách chính xác tới tất cả các cấp độ nhân viên.

2. Thiết kế làm việc nhóm

Rất nhiều doanh nghiệp gặp phải sự "cạnh tranh thái quá” trong nội bộ, và điều này xảy ra do chính cách thức hệ thống doanh nghiệp được thiết kế. Trong thời đại thông tin như hiện nay, đây là điều vô cùng tồi tệ, bởi chúng ta cần khuyến khích nhân viên chia sẻ thông tin nhanh hơn thay vì giữ lại cho mình vì suy nghĩ sợ bị thua kém những người khác. Do vậy, trong khi các doanh nghiệp ghi nhận thành tích, một việc rất quan trọng là thiết kế các chính sách và hệ thống trao thưởng để ghi nhận cả đội nhóm đã tạo ra thành công đó.

Đánh giá cao khi phòng ban này chủ động sang phòng ban khác để giải quyết một vấn đề, cũng như những cá nhân sẵn sàng chỉ ra một người khác trong công ty đã giúp đỡ mình trong công việc như thế nào. Có rất nhiều cách để doanh nghiệp thiết kế sự hợp tác, và nó không chỉ đơn giản là việc bày trí chỗ ngồi ở văn phòng, mà cần bắt đầu ngay từ công tác quản trị nhân lực.

3. Quản trị sự khác biệt

Do mỗi con người là một cá thể khác nhau, việc một môi trường làm việc có sự đa dạng, khác biệt giữa các cá nhân là một điều vô cùng bình thường. Tuy nhiên, điều đặc biệt lạ là rất ít doanh nghiệp có cơ chế để quản trị những sự khác biệt này. Khi mối quan hệ làm việc bị đứt gãy, không ai động chạm hay đề cập đến điều đó, và sự đứt gãy này tiếp tục tồn tại lớn hơn. Chẳng bao lâu, những sự khác biệt này bắt đầu ảnh hưởng hiệu quả công việc bởi nhóm A không muốn nói chuyện với nhóm B.

Bạn hãy suy nghĩ xem sẽ hiệu quả hơn nếu như thi thoảng các nhân viên được đào tạo hòa giải và can thiệp khi có bất đồng, hay thay vào đó, chúng ta phát triển các tập quán thường niên để mỗi nhân viên biết cách giải quyết vấn đề ở một cách thức bình tĩnh hơn với sự điều phối của người lãnh đạo.

4. Đặt những mối quan hệ lên trên

Khi doanh nghiệp coi trọng các mối quan hệ, quan tâm hơn đến người khác, các nhân viên tự động sẽ muốn đóng góp nhiều hơn cho tổ chức. Do vậy, hãy tạo điều kiện cho những người mới gia nhập công ty tìm hiểu mọi vấn đề, hoặc tạo điều kiện cho mỗi người chia sẻ về tuần vừa qua của họ như thế nào. Những điều rất đơn giản này sẽ tồn tại rất lâu và tạo ra một môi trường vui vẻ nơi làm việc. Bởi vậy, một việc rất quan trọng đó là cần chú ý đến sự khác biệt trong các mối quan hệ tồn tại nội bộ doanh nghiệp, đồng thời, cần quan tâm tới cách thức mọi người tham gia và thực sự hòa mình vào môi trường làm việc như thế nào xét về các mối quan hệ.

5. Quản trị nhân lực dựa trên mối quan hệ

Có hai chức năng lớn mà bộ phận nhân sự mỗi doanh nghiệp phải đảm nhiệm: Chức năng hành chính, liên quan tới lương thưởng và tuyển dụng; chức năng còn lại là quản trị tính đa dạng và sự năng động trong các mối quan hệ tồn tại trong nội bộ tổ chức. Chức năng thứ hai gần như thiếu ở hầu hết các doanh nghiệp xét về khả năng lãnh đạo và các nguồn lực. Bất kỳ khi nào doanh nghiệp đầu tư vào việc tuyển chọn và giữ chân các giám đốc nhân sự tốt, người có khả năng hiểu rõ công việc và sự cảm thông, chia sẻ đối với người khác, sẽ là động lực lớn đối với khả năng của doanh nghiệp quản trị nhân tài và sự đa dạng trong mối quan hệ. Bởi vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp cần tách quản trị nhân lực khỏi các công việc hành chính, và thiết lập một phòng ban riêng tập trung vào quản trị nhân lực.

6. Đánh giá giá trị của niềm vui nơi làm việc

Cuối cùng, việc thiếu niềm vui nơi làm việc khiến doanh nghiệp mất mát không nhỏ, các doanh nghiệp cần đối mặt và cố gắng đánh giá trạng thái của các mối quan hệ trong nội bộ. Chúng tôi đã tìm ra sự thiếu niềm vui trong môi trường làm việc được hình thành do:

- Thiếu mục đích

- Mọi người có cảm giác cần cạnh tranh lẫn nhau, từ đó, dẫn đến hợp tác nghèo nàn

- Thiếu cách thức để diễn đạt những sự thất vọng, cảm giác chán nản và vượt qua sự khác biệt

- Cảm nhận của nhân viên về DN và đồng nghiệp thiếu quan tâm tới mình

- Quản trị nguồn nhân lực nghèo nàn

- Thiếu định nghĩa môi trường làm việc hạnh phúc là gì.


  • 20/03/2014 09:00
  • Tổng hợp theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 2633


Gửi nhận xét