Quyền năng của niềm tin trong mỗi tổ chức

Một tổ chức tốt nhất mà chúng ta có thể xây dựng, đó là nơi mà mỗi thành viên phấn đấu vì một mục tiêu chung, tự do chia sẻ thông tin, tôn trọng đồng nghiệp và lãnh đạo, giao tiếp trung thực và thân thiện… Tất cả những điều ấy đều phải khởi nguồn từ niềm tin.

Ảnh minh họa.

Tại sao niềm tin lại quan trọng trong một tổ chức lành mạnh

Hiệp hội Đào tạo kinh doanh quốc tế (IBTA) - Hoa Kỳ đã từng nhận định rằng: “Một tổ chức tốt là một tổ chức có nền văn hóa doanh nghiệp dựa trên năng lực, độ tin cậy, giao tiếp thân thiện, khi đó nền văn hóa ấy sẽ đưa các thành viên đến một tầm nhìn chung”. Sẽ thật căng thẳng và dễ có xung đột khi làm việc trong một tổ chức mà có ít hoặc không có sự tin tưởng giữa lãnh đạo và nhân viên hay giữa các nhân viên với nhau. Không tin tưởng đồng nghĩa với môi trường làm việc thù địch, hiệu suất công việc hạn chế, tư tưởng của nhân viên không kiên định và đó là nguyên nhân nhanh nhất dẫn đến sự thiếu bình ổn trong vấn đề nhân sự.

Covey, tác giả cuốn sách “Tốc độ của niềm tin”, giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo CEO Covey đã đặt sự quan trọng của niềm tin trong mỗi tổ chức dưới một công thức vô cùng đơn giản.

↑ Niềm tin = ↑ Tốc độ  và ↓ Chi phí

Tăng niềm tin dẫn đến tăng năng suất làm việc và giảm chi phí. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn có những nhân viên trung thành và gắn bó lâu dài. Khi nhân viên đặt lòng tin vào tổ chức thì lòng trung thành và niềm tự hào sẽ giúp họ có động lực mạnh mẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Họ thậm chí còn có động lực vượt chỉ tiêu đề ra, xúc tiến để đạt mục tiêu chung một cách nhanh nhất. Khi ấy, lòng tin của mỗi cá nhân không chỉ đơn giản là vấn đề của cá nhân ấy mà còn tạo nên một sức mạnh tổng hợp khi mỗi thành viên là một mắt xích làm việc, cống hiến tận tụy.

Hãy cùng trải nghiệm câu chuyện về Ross Smith - nhà điều hành sản xuất phần mềm của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, Microsoft. Ông được xem là nhà lãnh đạo đi đầu trong cải cách quản lý khi ông kêu gọi đội ngũ 80 nhân viên của mình cùng đưa ra những đề bạt nhằm giúp ông thiết kế ra môi trường làm việc phản ánh mong muốn của nhân viên.

Một nơi làm việc mà công việc là niềm vui, sáng kiến được tán thưởng, sự hợp tác sẽ diễn ra một cách tự nhiên giữa những đồng nghiệp với nhau. Smith cho rằng niềm tin là nền tảng của một nền văn hóa tổ chức, đặc biệt với môi trường làm việc bao gồm những người trẻ và đam mê. Smith nói: "Thành công, rồi cũng có thể thất bại, sự sẵn sàng là tiền đề cho những ý tưởng mới, trao quyền, tự do sáng tạo sẽ mang đến sự linh hoạt và nhanh nhẹn. Nhưng tất cả những hành động này đều bắt nguồn từ sự tin tưởng".

↓ Niềm tin = Tốc độ ↓ và ↑ Chi phí

Một môi trường với ít hoặc không có sự tin tưởng giữa các đồng nghiệp dẫn đến giảm hiệu quả công việc và chi phí tăng. Điều dễ nhận biết nhất ở những tổ chức “có vấn đề” về niềm tin là sự thiếu đoàn kết nội bộ. Những cuộc họp, môi trường làm việc nhóm trở nên căng thẳng và trì trệ khi các thành viên không ủng hộ lẫn nhau, không có niềm tin vào năng lực của đồng nghiệp và có những phán đoán sai lệch về nhau trong công việc.

Nghiêm trọng hơn, một tổ chức mà lãnh đạo không giành được lòng tin của nhân viên sẽ luôn có những làn sóng phản đối người đứng đầu. Làn sóng đó có thể là sự chống đối âm thầm bên trong hay tìm cách gian lận trong công việc của một bộ phận nhân viên, nhưng nó cũng có thể thành làn sóng dữ bởi những phong trào biểu tình, đình công rầm rộ, đã từng để lại rất nhiều bài học chua xót trong lịch sử. Và để ứng phó với hậu quả của sự thiếu hụt niềm tin này, nhiều doanh nghiệp đã phải tốn kém một khoản chi phí không hề nhỏ.

Warren Bennis, học giả hàng đầu về thuyết lãnh đạo, giáo sư Đại học Nam California đã từng khẳng định: “Niềm tin là tinh dầu bôi trơn cho mọi bộ phận trong mỗi tổ chức hoạt động một cách nhịp nhàng nhất”.


  • 11/02/2014 09:58
  • Thanh Huyền (biên dịch theo sách "Tốc độ của niềm tin" - tác giả Stephen MR Covey)
  • 3715


Gửi nhận xét