Bí quyết của những công ty hạnh phúc nhất nước Mỹ

“Có thể tận hưởng chính công việc của mình chính là chìa khóa có được hạnh phúc trong cuộc sống” – Heidi Golledge, người sáng lập hệ thống thông tin nghề nghiệp CareerBliss, nói.

Điều gì khiến cho nhân viên vừa làm việc vừa huýt sáo vui vẻ? CareerBliss đã công bố danh sách 50 công ty hạnh phúc nhất tại Mỹ. Những dữ liệu, dựa trên nhận xét của nhân viên, đã được đánh giá trên cơ sở các yếu tố như: Cân bằng cuộc sống, mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp, môi trường làm việc, tài nguyên công việc, thưởng, cơ hội thăng tiến, văn hóa công ty, tiếng tăm công ty, nhiệm vụ hàng ngày và quản lý chung…

Vậy liệu những công ty cứ có môi trường làm việc sáng tạo sẽ là có lợi thế? Sự thật không phải vậy. Apple và Google vừa vuột mất vị trí top 10 và xuống đến vị trí 42 và 18. Trong khi đó, gã khổng lồ ngành dược Pfizer đã leo lên vị trí 11, theo sau là NASA và Bộ quốc phòng Hoa Kỳ.

Steve McClatchy – sáng lập Công ty tư vấn Alleer – 1 trong những khách hàng của họ chính là Pfizer, đã nói rằng môi trường làm việc hạnh phúc chính là thành công lâu dài, chứ không phải là doanh thu trên bảng cân đối cuối năm.

"Đó chính là hỗ trợ nhân viên trong việc đạt được mục tiêu, cho phép họ thất bại, và học hỏi từ đó", ông nói. Tại các công ty như Pfizer, nhân viên đạt được một sự cân bằng giữa cải thiện, phát triển và duy trì. Pfizer thường xuyên lắng nghe ý kiến nhân viên. "Đó là một cam kết để tìm ra những trở ngại cho hạnh phúc. Họ không chờ đợi đến phỏng vấn định kì, họ chủ động liên tục đánh giá nền văn hóa của họ". Steve McClatchy tin tưởng rằng việc quá nghiêm khắc tại chỗ làm không mang lại hiệu quả mà cái quan trọng là tìm ra giải pháp chứ không phải là tìm cách xử phạt nhau.

Ảnh minh họa.

1 cách khác để giảm đi những căng thẳng trong công việc chính là ý nghĩa của công việc. Nếu bản thân nhân viên nhận ra được giá trị của những gì mình đang làm thì họ sẽ có thể nỗ lực hết mình 1 cách tự giác. “Chúng ta cần tạo ra 1 môi trường làm việc có ý nghĩa, và đem lại những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, gia đình, bạn bè đồng nghiệp,…”.

"Một nơi làm việc hạnh phúc khi có những chính sách được đưa ra để đảm bảo rằng nhân viên được thừa nhận và khen ngợi cho công việc họ làm tốt, và khi mà mọi người cảm thấy công ty quan tâm đến hạnh phúc của họ", ông Gretchen Rubin, tác giả của quyển sách bán chạy nhất SellingHappiness, cho biết.

Dana Stocks - quản lý HR của Philips North America, cho rằng thành công là phải tập trung vào từng cá nhân. Philips đã hiểu rằng việc được ghi nhận từ chính đồng nghiệp sẽ còn có giá trị hơn cả những ghi nhận đến từ quản lý. Kết quả là, Philips đã thực hiện những chương trình giúp cho từng cá nhân cảm thấy được tiếp thêm năng lượng và cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn cả những giải thưởng.

“We are Philips” là chương trình ghi nhận những lời khen của đồng nghiệp dành cho nhau và tuyên dương những hành động và giá trị tích cực. Cứ 3 lần/ năm, người thắng cuộc sẽ được công bố trên toàn hệ thống Philips tại Bắc Mỹ để truyền cảm hứng cho những người khác. Stocks cũng cho biết thêm, Philips còn ứng dụng công nghệ để kết nối nhân viên với nhau trong tính năng connect us. Tại đây họ có thể chia sẻ kinh nghiệm làm việc, cảm nghĩ… và nhận huy hiệu "Thanks" cho mỗi đóng góp tích cực của mình.

Giám đốc của Lamp Post Group, Tiến sĩ Shelley Prevost, cho rằng nơi làm việc vui vẻ chính là nơi giúp cho nhân viên có thể là chính mình nhiều nhất rồi mới xét đến công việc. Môi trường làm việc hạnh phúc phải là nơi nhân viên có thể quan tâm lẫn nhau, nâng cao liên kết giữa mọi người, truyền cảm hứng được cho nhân viên; là nơi mà bạn cảm thấy mình làm việc có mục đích, có ý nghĩa, được kết nối và được đánh giá đúng năng lực.


  • 25/10/2013 05:21
  • Theo Vcamps.vn/Fast Company
  • 2170


Gửi nhận xét