Một cuộc tâm sự giữa nhân viên và ban lãnh đạo Công ty Eventbrite ở Thung lũng Silicon (Nguồn: forbes.com)
|
Các chính sách xã hội và hoạt động văn hóa luôn được các doanh nghiệp áp dụng linh hoạt và tạo nên bản sắc cho mỗi doanh nghiệp. Trong số hơn 50 nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ ở vùng đất này, Công ty Google rất nổi tiếng bởi các chiêu thức thu dụng nhân tài. Công ty này đưa ra mức lương vô cùng hấp dẫn: 180.000 USD một năm đối với kỹ sư phần mềm, nghĩa là chỉ kém tổng thống Mỹ chút ít (240.000 USD).
Ngoài ra, nhân viên công ty còn được hưởng vô số lợi ích như các bữa ăn miễn phí, tư vấn pháp lý, cắt tóc, du lịch, các hoạt động văn hóa... Nếu chẳng may một nhân viên của công ty bị chết thì người vợ hoặc người chồng có thể nhận được số tiền trị giá 50% lương hằng năm của nhân viên đó trong 10 năm.
Các hoạt động văn hóa của Google rất da dạng, nhiều món tiền thưởng có giá trị cho các phát minh và sáng kiến… Chắc chắn đó là một cuộc sống "thịnh vượng" mà lại không bị công chúng dò xét hay truyền thông soi mói như với những người nổi tiếng.
Nhiều công ty sẵn sàng áp dụng những chiêu thức kỳ lạ miễn sao làm cho nhân viên thấy hứng khởi và dễ chịu. Công ty Zynga khuyến khích nhân viên của mình mang chó đến nơi làm việc, thậm chí, họ còn thuê người chăm sóc chó, xây dựng một công viên chó trên nóc trụ sở mới mang tên The Dog House.
Chính sách dành cho nhân viên vô cùng hấp dẫn với nhiều loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí như mát xa, châm cứu, cắt tóc, tiền thưởng, chứng khoán và du lịch. Công ty Facebook cung cấp miễn phí thực phẩm, giặt là, xử lý hình ảnh cho nhân viên. Ngoài ra, họ còn sẵn sàng thanh toán đầy đủ chi phí bảo hiểm y tế và nha khoa.
David Helgason, giám đốc điều hành trẻ tuổi của Unity, một nhà cung cấp công cụ cho các trò chơi video cho biết, công ty này đã thu hút được rất nhiều kỹ sư tài năng nhờ có môi trường văn hóa độc đáo. Công ty có 175 nhân viên và không quan tâm nhiều đến các nghi thức và cấu trúc văn hóa, mà họ áp dụng phong cách tự quản lý và tự tổ chức.
Cụ thể, công ty cung cấp cho nhân viên định hướng công việc hết sức rõ ràng, sau đó các nhóm tự quản lý và tổ chức để làm sao hoàn thành được nhiệm vụ. Các nhóm này tự đặt ra giờ giấc làm việc, tự do hành động và tự do suy nghĩ. Cứ vào thứ sáu hằng tuần, các kỹ sư tha hồ làm bất cứ thứ gì mà họ cảm thấy vui thích.
Nhận xét về văn hóa kinh doanh của Thung lũng Silicon, Công ty Enso Collaborative - một đối tác lâu năm của các doanh nghiệp ở thung lũng, đúc kết rằng, những đặc điểm văn hóa của thung lũng công nghệ này trái ngược với cách thức và mô hình tiếp thị truyền thống. Đó là chuyển từ “luôn luôn đóng” đến “luôn luôn làm đầy tớ của người sử dụng”, chuyển từ định hướng bán hàng (nhiều đơn vị sản phẩm/người) sang nhận biết nhu cầu văn hóa thực sự và xây dựng một giải pháp đáp ứng nhu cầu đó. Trên thực tế đó là việc tối đa hóa giá trị con người trong sự liên kết với các giá trị tài chính.
Nhiều doanh nghiệp chuyển từ sự gia tăng tiền lời đến thiết lập các mục tiêu thực sự lớn và có ý nghĩa. Họ cũng thay phương pháp “tiết lộ thông tin“ bằng cách hợp tác triệt để với khách hàng. Trên thực tế, khách hàng được doanh nghiệp coi là hình ảnh thu nhỏ của chính mình. Khách hàng sẽ cùng doanh nghiệp đưa ra ý tưởng và tìm cách thỏa mãn ý tưởng đó.
Trong quảng cáo, thông thường người ta đặt ra yêu cầu tìm kiếm một câu trả lời duy nhất cho một vấn đề. Tuy nhiên, đối với Thung lũng Silicon, không bao giờ có một cách duy nhất để giải quyết vấn đề mà họ yêu cầu luôn luôn cải tiến.
Các nhân viên cùng chia sẻ công việc, khởi động ý tưởng và phát triển lên từ đó. Họ không bao giờ bị dính chặt vào một phiên bản công việc nhất định, mà luôn bảo đảm độ mở cần thiết cho sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi từ “sản xuất thứ mới” đến sản xuất những thứ hữu ích và có ý nghĩa.
Độc quyền không còn là biện pháp phổ biến ở đây kể từ khi xuất hiện xu hướng chuyển sang khả năng tiếp cận toàn cầu, nói cách khác là tạo ra sự tiếp cận công bằng với những sản phẩm chất lượng cho đông đảo mọi người. Quảng cáo thổi phồng và cường điệu được thay bằng sự xác thực và các giá trị. Các trò tiểu xảo lừa lọc rẻ tiền không còn được áp dụng nữa. Văn hóa về quyền sở hữu ý tưởng đã biến thành sự đồng sáng tạo giữa khách hàng và doanh nghiệp. Cái tôi cá nhân sẽ không còn ý nghĩa, mà mọi ý tưởng và kết quả sẽ là của chung mọi người.
Thay vì giới thiệu công nghệ như điều thú vị mới mẻ nhất, hoặc tốt gấp hai lần đối thủ, thì các doanh nghiệp chỉ cho mọi người thấy rằng, công nghệ sẽ làm được những điều mà khách hàng quan tâm. Khi các thương hiệu và con người được liên kết chung quanh các giá trị, nó có thể dẫn đến việc chia sẻ thành công. Cách đầu tư của doanh nghiệp cũng chuyển từ phản ánh văn hóa đến thực hiện các nhu cầu văn hóa.
Thay vì trả hàng triệu đô la để làm quen với một người nổi tiếng hoặc một xu hướng lướt qua, thì ngày nay họ sử dụng các nguồn lực để bênh vực và vinh danh những người thực sự tạo ra giá trị lâu dài cho tất cả mọi người. Chính nhờ cách tiếp cận mới mẻ, hướng vào con người và văn hóa đó, mà các công ty tốt nhất trên thế giới như Google gặt hái được thành công lâu dài.
Có thể rút ra rằng, yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của các doanh nghiệp ở Thung lũng là hình thành văn hóa độc đáo, cho phép những con người có kỹ năng đa dạng, khác biệt về văn hóa hòa trộn và kết hợp với nhau.
Văn hóa Thung lũng Silicon có nguồn gốc từ tinh thần hợp tác thực dụng, nơi đó, chủ nghĩa cá nhân bị kiềm chế bởi tinh thần làm việc tập thể. Tinh thần đó cho phép những người xa lạ hợp thành nhóm để tạo thành những toa tàu lao về phía trước và phó thác cuộc đời của họ cho nhau.