Văn hóa doanh nghiệp: Các giá trị ngầm định và quy định

Văn hóa doanh nghiệp xuất hiện bởi sự ngầm định hay được xây dựng nên? Có thể chia các giá trị của doanh nghiệp thành hai phần: Phần thứ nhất là các giá trị tồn tại một cách tự phát, gọi là ngầm định; phần còn lại chính là các giá trị mà nhà lãnh đạo mong muốn đưa vào doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Những giá trị được các thành viên chấp nhận thì sẽ tiếp tục duy trì theo thời gian và dần dần được coi là đương nhiên. Các ngầm định thường khó thay đổi và ảnh hưởng rất lớn đến phong cách làm việc, các quyết định, cách giao tiếp ứng xử. 

Tuy nhiên, nếu những giá trị ngầm định tồn tại tự phát không đi theo một định hướng rõ ràng (do chủ doanh nghiệp tạo dựng) thì giá trị của doanh nghiệp đó sẽ không có sứ mệnh, tầm nhìn cụ thể, và các hoạt động đều không hướng tới mục đích chung. Những giá trị mang tính quy định sẽ tạo ra một cái đích chuẩn mực để các giá trị ngầm định phát triển xung quanh nó. Điều này đòi hỏi người chủ doanh nghiệp phải đưa ra những định hướng, chủ trương cụ thể cho các giá trị quy định và ngầm định phát triển cân bằng, phù hợp. 

Khi truyền bá một giá trị văn hóa doanh nghiệp, người chủ doanh nghiệp cần xem xét đến việc biến giá trị quy định thành giá trị ngầm định. Mục tiêu đó phải luôn được đặt ở vị trí trung tâm của mọi hoạt động trong doanh nghiệp, các mong muốn phải được thể hiện một cách rõ ràng.

Trong doanh nghiệp có một số người, mặc dù, không nắm giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt, quan trọng, nhưng lại là những “thủ lĩnh” mà nhân viên lắng nghe và tiếp thu ý kiến. Nếu chủ doanh nghiệp có thể đưa những nhà lãnh đạo không chính thức này đảm nhận những vị trí, trách nhiệm trong kế hoạch và mục tiêu kinh doanh, sẽ tháo được cái ngòi nổ của văn hóa “chống đối”. Và họ cũng như "đường dẫn" để giúp chủ doanh nghiệp đưa giá trị văn hóa quy định trở nên lan tỏa và có sức thuyết phục trong đội ngũ của mình. 

Khi muốn thay đổi những gì vốn có, thì nhà lãnh đạo phải là người bắt đầu. Văn hóa doanh nghiệp được coi là lành mạnh khi nó tồn tại theo một quá trình sau đây: Đầu tiên chủ doanh nghiệp ra quyết định, sau đó quyết định này được ủy quyền cho một số người có trách nhiệm theo dõi để nhìn nhận, đánh giá nó được thực hiện như thế nào. Nếu quyết định không được tiếp nhận và thực hiện tốt, chủ doanh nghiệp sẽ sửa đổi kế hoạch và cố gắng tạo ra một điều gì đó mới mẻ. Một nhà lãnh đạo bảo thủ sẽ bảo vệ quyết định của mình đến cùng chỉ bởi vì mình là người đã ra quyết định và cho “đó là nguyên tắc”. Khi đó rất khó có thể tạo ra được tiếng nói chung giữa lãnh đạo và nhân viên, và việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng sẽ gặp không ít những khó khăn.

Văn hóa doanh nghiệp thường được hình thành, xuất hiện bởi sự ngầm định hơn là được xây dựng. Nhưng các doanh nghiệp biết đặt cho mình mục tiêu thiết lập văn hóa thường thành công hơn những doanh nghiệp có văn hóa tạo thành từ sự ngầm định, đồng thời theo thời gian phải có sự thay đổi cho phù hợp.


  • 28/03/2014 10:43
  • Tổng hợp theo Tạp chí Nhà quản lý
  • 7265


Gửi nhận xét