Muốn đổi mới, phải bắt đầu từ văn hóa doanh nghiệp

Phát triển, bồi dưỡng một nền văn hóa doanh nghiệp không phải là việc đơn giản và không có công thức chung để đi tới thành công. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất chính là việc khuyến khích nhân viên chấp nhận sự thay đổi cần thiết trong tổ chức.

Môi trường kinh doanh luôn có những đòi hỏi mới, và công việc của nhà lãnh đạo là đảm bảo tổ chức thích nghi và phát triển để đáp ứng thay đổi đó. Sự thành công của những tên tuổi lớn như Google, Apple, Microsoft, Facebook… đã khẳng định tầm quan trọng của đổi mới, đồng thời cũng chỉ ra rằng văn hóa doanh nghiệp là chìa khóa mở cửa sự sáng tạo và biến nó thành hiện thực.

Ảnh minh họa.

Đổi mới trong tổ chức

Sẽ thật thiếu xót nếu “đóng đinh” sự thay đổi của một tổ chức phụ thuộc vào người đứng đầu doanh nghiệp. Theo Edgar Schenin, tác giả cuốn sách “Văn hóa tổ chức và lãnh đạo”: "Điều duy nhất có tầm quan trọng thực sự mà các nhà lãnh đạo nên làm không phải là tạo ra văn hóa doanh nghiệp mà là quản lý nó. Nếu bạn không quản lý văn hóa, ngược lại nó sẽ tri phối tổ chức của bạn, và thậm chí bạn sẽ không thể nhận thức được hậu quả của việc này".

Đổi mới nhằm mục đích sửa chữa cho những “lỗ hổng” đang tồn tại trong doanh nghiệp, nó không phải là kết quả của một phát minh thiên tài đơn độc, mà là một chiến lược, một quá trình hợp tác, nơi mà mọi người trong nhiều lĩnh vực góp phần thực hiện ý tưởng đó một cách đồng bộ nhất. Một ví dụ điển hình là sự ra đời và phát triển của Facebook. Hãng này không chỉ tạo ra sự thuận tiện trong phương tiện giao tiếp trên toàn thế giới, và còn kết nối cuộc sống của hàng triệu người theo một cách trước đây chưa ai tưởng tượng được.

Nguồn gốc của ý tưởng này mới đầu được xem là không tưởng, chưa có tiền lệ, vì những công ty đi trước, hay công ty đối thủ của họ chưa bao giờ nghĩ tới hay từng làm. Nếu ý tưởng này xuất hiện trong một tổ chức có nền văn hóa doanh nghiệp quá “an toàn”, môi trường làm việc không cổ vũ sự sáng tạo, không chấp nhận rủi ro, thì có lẽ mạng xã hội được hàng triệu người trên thế giới ưa thích như hiện nay không thể trở thành hiện thực. Nhân viên của nhiều tổ chức thường ngại đưa ra ý kiến, trình bày ý tưởng của mình khi môi trường làm việc của họ không khuyến khích điều này. Do đó, mỗi tổ chức muốn đổi mới, phải bắt đầu bằng việc đổi mới văn hóa doanh nghiệp.

Loại bỏ rào cản và phỏng đoán để thay đổi

Rào cản dễ nhận biết nhất tại các doanh nghiệp là việc thiếu các kênh chấp nhận ý tưởng đầu vào như hộp thư góp ý, trang web mạng nội bộ,… và đôi khi chỉ là việc lắng nghe lời chia sẻ chân thành từ phía một nhân viên bình thường. Những doanh nghiệp thành công thường tin tưởng vào văn hóa của mình là mạnh mẽ. Họ ngại “chuyển mình” vì cho rằng sự thay đổi có thể dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, theo thời gian, nền văn hóa hiện tại có thể là trở ngại, làm cho công ty “mù” với công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới hoặc tụt lùi so đối thủ cạnh tranh mới nổi. Lịch sử kinh doanh có nhiều ví dụ cho thấy một doanh nghiệp có thể là người đứng đầu sự sáng tạo trong một thế hệ nhưng lại trở nên quan liêu ngay trong thế hệ kế tiếp, bởi họ bỏ quên sự quan trọng của đổi mới.

Câu chuyện về một nhà bán lẻ địa phương có thể đánh bại những ông lớn nhờ chú trọng phát triển văn hóa đã cho thấy rõ điều này. Có một đại lý thiết bị trong khu vực Chicago được gọi là ABT chỉ có duy nhất một cửa hàng nhưng doanh số bán hàng vượt qua cả một dây chuyền bán hàng của doanh nghiệp toàn quốc. Làm thế nào họ làm được điều này? Câu trả lời là nhân viên ở đây được phép sáng tạo và trao quyền nhiều hơn các nơi khác, và điều đó đưa họ bắt kịp với công nghệ nhanh hơn những công ty cùng ngành nghề. Chính điều đó khiến cách thức họ tư vấn và phục vụ khách hàng chuyên nghiệp hơn, mới mẻ hơn và thay đổi theo sự đòi hỏi của môi trường kinh doanh.

Cũng giống như việc bạn có thể vào cùng một cửa hàng thức ăn nhanh nhưng sau khi thay đổi mới về văn hóa, cách phục vụ, dù vẫn là cùng một loại sản phẩm, nhưng cảm nhận của khách hàng là hoàn toàn khác nhau. Chính văn hóa đã làm nên sự khác biệt và đặc tính của mỗi tổ chức. Chính vì vậy, việc tạo ra một “lộ trình văn hóa doanh nghiệp” dẫn đường cho sự đổi mới là cần thiết. Theo Mike Maddock, CEO của Tập đoàn Maddock Douglas (Mỹ) cho rằng, lộ trình này phụ thuộc vào 4 yếu tố: Sự sáng tạo, chấp nhận rủi ro, sự hợp tác giữa những nhân viên và ghi nhận của khách hàng. Quan trọng là hãy chắc chắn rằng những yếu tố này có thể đo lường và gắn liền với sứ mệnh đổi mới chung của doanh nghiệp. Tổ chức có thể bắt đầu sự đổi mới bằng cách tập trung vào các thế mạnh của mình, thay đổi từ một bộ phận và mở rộng quy mô từ từ.

Mỗi doanh nghiệp hãy tạo ra một môi trường làm việc có thể động viên mọi người tiến về phía trước, tìm ra những cách thức mới để đẩy mạnh công việc và không ngừng tìm kiếm những kết quả tốt hơn. 


  • 10/04/2014 04:21
  • Thanh Huyền (biên dịch từ Tạp chí Bloomberg Businessweek, Mỹ)
  • 1886


Gửi nhận xét