Mỹ quan công sở là một trong những yếu tố của văn hóa doanh nghiệp và được quyết định phần nhiều bởi hành động mang tính thói quen của cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp. Việc xây dựng và đưa ra áp dụng một quy định chuẩn về mỹ quan công sở là điều doanh nghiệp nào cũng mong muốn, song, không phải nhân viên nào cũng đồng tính với những quy định mang tính phiến diện và một chiều.
Ảnh minh họa.
|
Từ câu chuyện "cấm ngủ trưa tại nơi làm việc" của FPT IS
Theo Chúng ta - trang tin tức nội bộ của Tập đoàn FPT, do nhiều nhân viên FPT IS trải chiếu và đắp chăn ngủ giữa các khoang làm việc, gây phản cảm, để lại những hình ảnh không đẹp trong mắt khách hàng và đối tác, để chấn chỉnh lại tình trạng trên, khoảng đầu tháng 5, Văn phòng FPT IS không tắt điện vào buổi trưa và nhắc nhở những trường hợp vi phạm nội quy nơi làm việc. Đối với những CBNV thực sự cần nghỉ ngơi buổi trưa như các chị em phụ nữ có thai, những người cảm cúm nhẹ, văn phòng FPT IS đã chuẩn bị một số phòng họp, có điều hòa để những người này có chỗ nghỉ trưa mà không làm xấu hình ảnh công ty.
Việc làm này gây khá nhiều tranh luận trong nội bộ nhân viên FPT IS. Ông Đỗ Cao Bảo - Chủ tịch FPT IS chia sẻ muốn lấy được hợp đồng của khách hàng thì CBNV cần từ bỏ thói quen ngủ trưa. Lý do duy nhất là vì sự nghiệp toàn cầu hóa: "Tôi đã trực tiếp nghe một khách hàng Mỹ và một khách hàng Hà Lan nói là họ bị “sốc” khi nhìn thấy cảnh buổi trưa nhân viên của chúng ta ngủ trong văn phòng làm việc. Họ giải thích rằng, ở Mỹ và châu Âu tuyệt đối không có chuyện ngủ trong văn phòng. Đối với họ, văn phòng là văn phòng, nhà ở là nhà ở, không thể có chuyện biến văn phòng thành chỗ ngủ. Nếu buổi trưa nhân viên nào muốn ngủ thì có thể ra xe ôtô cá nhân ngủ tạm. Họ lo ngại rằng nếu sau này chúng ta cử cán bộ sang hãng họ làm việc mà mang văn hóa ngủ trưa sang thì vừa làm xấu hình ảnh Việt Nam, hình ảnh FPT mà có thể nhân viên đó còn bị trả về Việt Nam, nặng hơn nữa là bị cắt hợp đồng".
Từ chia sẻ này, phía những người ủng hộ cách làm của FPT IS cho rằng "Người Việt ngủ trưa là lười nhác". Còn phần lớn đều xem đây là nhận định phiến diện. Bởi người ta ngủ trưa vì nhiều lý do chứ không đơn thuần là do lười nhác. Giả sử họ có cả một buổi sáng làm việc vất vả, mệt mỏi, căng thẳng thì cớ sao họ không được phép thưởng cho mình một giấc ngủ trưa dù chỉ là ít phút?.
Và bài toán về "mỹ quan công sở" phù hợp
Nhìn ra thế giới, việc nhân viên ngủ ngay tại nơi làm việc đã trở nên phổ biến và là nét văn hóa công sở đặc trưng tại Nhật Bản. Tại Nhật Bản, mọi người thường cố gắng làm việc hết mình, thậm chí, họ làm việc tới mức kiệt sức. Do đó, nếu muốn chứng minh mình là một nhân viên chăm chỉ, người lao động cần thể hiện mức độ mệt mỏi của bản thân. Điều này dẫn tới việc trước khi rời khỏi công sở vào buổi chiều để về nhà, người Nhật Bản sẽ không chào tạm biệt đồng nghiệp bằng những câu nói như: "Chúc một buổi tối vui vẻ!" hay "Chúc cuối tuần vui vẻ!". Thay vào đó, họ thường nói "otsukaresama deshita", có nghĩa là "Trông bạn thật mệt mỏi". Đây chính là lý do vì sao dân công sở tại Nhật Bản thường ngủ ngay tại nơi làm việc. Thậm chí, các đồng nghiệp cũng công nhận rằng người nhân viên ngủ tại phòng làm việc chắc chắn là một người lao động chăm chỉ.
Tuy nhiên, người Nhật cũng đặt ra một số quy định nhất định cho việc ngủ tại nơi làm việc:
- Bạn phải sẵn sàng đứng bật dậy. Điều này có nghĩa là người lao động sẽ trong tư thế tỉnh táo bất cứ khi nào và tỏ thái độ sẵn sàng tiếp tục làm việc một cách hăng say.
- Việc ngủ tại công sở của những người giữ chức quản lý lại càng là điều dễ hiểu, bởi bản chất hành động ngủ tại nơi làm việc đã thể hiện sự tự tin rằng người lãnh đạo đó là "vô cùng cần thiết với công ty" và họ có thể ngủ ngay trên bàn làm việc. Đặc biệt, với những cán bộ cấp cao, ngủ tại công sở dường như là điều "dễ dàng thực hiện" hơn vì sẽ không ai chú ý tới họ.
Còn tại các nước phương Tây, họ rất ít ngủ trưa, song giờ làm của họ và ta có sự khác biệt lớn về thời gian và không phải cái gì của Tây cũng tốt. Gần đây trên các phương tiện thông tin, trên các trang báo có hiện tượng rất nhiều bài viết, phát biểu ngợi ca những cái hay của Tây. Nhưng xin nói thêm rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nếu không đứng cùng một mặt phẳng, chung một xuất phát điểm thì làm sao so sánh được. Giả dụ rằng để so sánh ai cao, ai thấp thì hai người đó phải đứng cùng nhau trên một mặt phẳng bằng nhau chứ không phải một người đứng trên ghế, một người dưới đất rồi phán rằng người đứng trên ghế cao hơn.
"Tôi thừa nhận rằng phương Tây có nhiều giá trị văn minh, họ tiên tiến và có trình độ phát triển cao hơn, nhưng không nên vì thế mà cho rằng mọi quan điểm, cách làm của họ đều được mang ra làm tiêu chuẩn cho xứ ta. Và như thế, là một người Việt tôi thấy tổn thương vô cùng" - là nhận định của Nghiên cứu sinh Tạ Văn Vĩnh thuộc Học viện hành chính Quốc gia.
Có thể, quan điểm của mỗi người về câu chuyện mỹ quan công sở và cụ thể là về việc ngủ trưa tại nơi làm việc là khác nhau, cũng như ngay trên ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn. Nhưng mọi quan điểm phải phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước, của doanh nghiệp hay nói cách khác là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh giống như ông cha ta đã từng nói “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh” và rằng mọi sự thay đổi đều phải đồng bộ chứ “không phải cứ không ngủ trưa đã là tiến bộ, đã là văn minh”.