Giá trị nền tảng của công ty phải được xây dựng trên sự cam kết về chất lượng sản phẩm và làm cho khách hàng thấu hiểu giá trị sản phẩm. Giá trị đó là sự đồng tâm thực hiện từ lãnh đạo cấp cao nhất cho đến nhân viên bình thường. Chìa khóa cho sự đồng tâm hiệp lực là văn hóa tuân thủ. Văn hóa tuân thủ là sự tiến hóa của tính kỷ luật trong xã hội công nghiệp sang dịch vụ. Theo đó, giá trị của sản phẩm được nâng lên tầm cao mới.
Ảnh minh họa.
|
Câu chuyện thành công của những doanh nghiệp lớn
Unilever là một trường hợp thành công với văn hóa tuân thủ. Khi thành lập công ty, những nhà sáng lập Unilever đưa ra sứ mệnh: To add vitality to life (tạm dịch: Thêm sinh khí cho cuộc sống). Từ đó đến nay, họ luôn tuân thủ sứ mệnh ấy. Unilever có những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới với nhiều loại sản phẩm từ trà cho đến kem, dầu gội đầu, kem đánh răng: Lipton, Hellman's, Rama, Magnum, Bertolli, Bird'Eyes, Slim - Fast, Clear, Dove, Pond's, Signal, Close-up, Omo...Tất cả các sản phẩm của họ đều tập trung vào mục đích: Mang lại sức khỏe, vẻ đẹp và sự thoải mái cho con người. Ngày nay, tầm nhìn, sứ mệnh đó ngày càng được thể hiện rõ qua từng sản phẩm.
Trường hợp của IBM là câu chuyện được mọi người ngưỡng mộ và tiêu biểu cho văn hóa tuân thủ. Thomas J. Watson, nhà sáng lập IBM đưa ra quan niệm: Đã tốt thì nay phải tốt hơn nữa, phục vụ khách hàng với sản phẩm chất lượng cao và tôn trọng cá nhân. Quan niệm về giá trị như thế đã từng làm IBM phát triển và lớn mạnh một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, một thời gian sau, IBM rơi vào khủng hoảng vì quá cứng nhắc với nguyên tắc. Louis Gerstner đã nhận ra điều này. Ông bắt đầu chuyển hướng, lèo lái con thuyền IBM thời kỳ này nhằm thay đổi tình hình. Louis Gerstner đưa ra những quy định mới dựa trên những quy định truyền thống như: Trước đây, công ty tự đưa ra sản phẩm, nay sản xuất theo nhu cầu của khách hàng, làm việc theo phương thức của khách hàng. Phương pháp quản lý theo sự thành công. Định hướng theo thành tích và tiêu chuẩn.
Louis Gerstner còn xây dựng chiến lược dựa trên sự thật và những con số. Ông khuyến khích phát huy tự do, tự do cạnh tranh. Khi làm bất cứ điều gì thì chú trọng sự việc, nghĩa là chỉ hỏi tại sao chứ không hỏi tại ai. Ông chú trọng đến giá trị của chủ nghĩa tập thể. Với ông, chỉ cần một nhân viên có ý tưởng tốt đã được ông đánh giá cao. Khi có cơ hội, IBM thực hiện chiến lược và đưa ra hành động một cách cấp bách (chỉ cần 80% hy vọng là được).
Để đảm bảo công cuộc cải cách văn hóa của IBM thành công, Louis Gerstner tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ với phương châm: "Cố hết sức giành thắng lợi, tuân thủ một cách nhanh chóng và có tinh thần tập thể". Theo đó, tất cả mọi nhân viên của IBM phải nhận thức được kinh doanh là một hoạt động mang tính cạnh tranh hoặc thành công hoặc thất bại.
Các nguyên tắc của Louis Gerstner trở thành quan niệm về giá trị và là hạt nhân văn hóa mới của IBM, văn hóa tuân thủ. Ngày nay, IBM đã chuyển đổi mô hình và phát triển nhanh chóng trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin.
Doanh nghiệp Việt và văn hóa tuân thủ
Một điển hình trong việc xây dựng văn hóa tuân thủ là Phở 24. Từ khi bắt đầu xây dựng thương hiệu, các nhà quản trị Phở 24 đã đưa ra đường lối: Xây dựng hình ảnh hiện đại cho một món ăn truyền thống, trở thành thương hiệu phở số 1 Việt Nam và mang tầm thế giới. Họ định hình một quán phở mang phong cách riêng. Từ cơ sở vật chất đến cung cách phục vụ và đặc biệt là chất lượng phở.
Khi đã tạo được tiếng vang và phát triển theo phương thức nhượng quyền thương hiệu, Phở 24 vẫn giữ đúng đặc trưng ấy. Chính sự nhất quán trong kinh doanh đã giúp thương hiệu Phở 24 luôn được khách hàng tín nhiệm.
Cà phê Highlands nhờ xây dựng văn hóa tuân thủ cũng đạt được thành công ban đầu. Vốn sinh sau đẻ muộn so với những thương hiệu cà phê khác, nhưng Highlands có tầm nhìn rõ ràng. Là thương hiệu cà phê Việt, tiêu chuẩn quốc tế, Highlands được sinh ra ở Việt Nam nhưng phải được quốc tế hóa, là "công dân toàn cầu", từ phong cách phục vụ đến hương vị lẫn cách thức pha chế. Chính vì thế, Highlands chọn những vị trí đắc địa tại các quận trung tâm của hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM để mở quán.
Từ pha chế đến phục vụ tại Highlands đều tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Tất cả các quán cà phê Highlands đều như nhau về phong cách, hương vị và không gian. Điều đó giúp Highlands khẳng định được vị trí trong lòng khách hàng. Giờ đây, Highlands được khách hàng công nhận là thương hiệu cà phê sang trọng, chất lượng hàng đầu Việt Nam.
Bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam là tính tuân thủ trong văn hóa. Xây dựng văn hóa đã khó, tuân thủ văn hóa ấy còn khó hơn. Văn hóa phải được thực thi ở ngay trong nội bộ công ty. Hơn thế, lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn hướng nhân viên thấu hiểu tầm nhìn, sứ mệnh doanh nghiệp. Bất kỳ động thái nào của doanh nghiệp phải được cân nhắc để đi theo đúng đường lối, tầm nhìn định sẵn. Đừng vì lợi ích trước mắt mà bỏ đi sứ mệnh đặt ra ban đầu. Đằng sau sự thành công của một thương hiệu chính là: Văn hóa tuân thủ. Có lẽ, đó là lời giải thích hợp nhất cho khát vọng vươn ra biển lớn của doanh nghiệp Việt Nam.