Xây dựng mô hình văn hóa doanh nghiệp tích cực – Nền tảng phát triển bền vững

Ngay khi hình thành doanh nghiệp là đã hình thành văn hóa doanh nghiệp dù cho chính bản thân doanh nghiệp có ý thức được hay không. Tuy nhiên một nền văn hóa doanh nghiệp hình thành tự phát có thể tiềm ẩn những yếu tố tiêu cực cho sự phát triển lâu bền của doanh nghiệp, đồng thời lãnh đạo cũng như các thành viên của doanh nghiệp khó có thể ý thức được hết những ưu thế trong văn hóa doanh nghiệp của mình để vận dụng cho sự phát triển doanh nghiệp. Chính vì vậy các doanh nghiệp cần tự mình nghiên cứu đề ra một mô hình phát triển văn hóa doanh nghiệp tiên tiến, gắn kết được mọi thành viên trong doanh nghiệp và làm nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Không có một mô hình văn hóa doanh nghiệp tối ưu cho mọi doanh nghiệp, có thể khái quát một mô hình văn hóa doanh nghiệp tiên tiến với những yêu cầu sau:

1. Văn hóa doanh nghiệp hướng về con người

Để có sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đề ra một mô hình văn hóa chú trọng đến sự phát triển toàn diện của người lao động. Cần xây dựng môi trường làm việc mà ở đó mọi cá nhân đều phát huy hết khả năng làm việc của mình.

Ảnh minh họa

Kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trên thế giới và ở Việt Nam đều cho thấy, một trong những bí quyết của họ chính là định hướng phát triển về con người. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp chạy theo năng suất, khiến người lao động phải tăng ca, tăng giờ làm, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Sức ép về thành tích, tăng thu nhập cho cuộc sống cũng buộc người lao động phải dành nhiều thời gian và công sức cho công việc, ảnh hưởng đến đời sống riêng tư và gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng khủng hoảng gia đình do bố mẹ quá bận bịu với công việc, bỏ bê con cái, là mầm mống cho các tệ nạn xã hội… về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn nhân lực của doanh nghiệp và xã hội.

Để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đề ra một mô hình văn hóa doanh nghiệp chú trọng đến sự phát triển toàn diện của người lao động, không nên chỉ chạy theo thành tích trong công việc mà còn phải quan tâm đến cả các tiêu chí khác, tạo sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc cho người lao động.

Mỗi người tại những vị trí và giai đoạn làm việc khác nhau có những nhu cầu cân bằng công việc – cuộc sống cũng không giống nhau. Vì thế, trong môi trường doanh nghiệp cần tránh những cách hiểu cứng nhắc về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là chia sẻ thời gian 50/50 giữa đi làm và nghỉ ngơi.

Ngoài ra, các chuyên gia lao động đã tổng hợp một số tiêu chí gợi ý giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống chính sách cân bằng công việc và cuộc sống hiệu quả cho nhân viên như: Doanh nghiệp chủ động hạn chế làm việc ngoài giờ; chăm sóc sức khoẻ và tinh thần; kế hoạch làm việc linh hoạt như làm việc bán thời gian; làm việc tại nhà; giờ đến - giờ về linh hoạt; hỗ trợ nhân viên có hoàn cảnh khó khăn; bảo hiểm sức khoẻ cho nhân viên; kỳ nghỉ bắt buộc; nghỉ ốm; ngày nghỉ thưởng theo thâm niên… Làm được như vậy, cả người lao động và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

2. Văn hóa doanh nghiệp phải phù hợp với cả môi trường bên trong và môi trường bên ngoài

Văn hóa doanh nghiệp chính là toàn bộ những nhân tố tạo nên bản sắc riêng có của doanh nghiệp nên muốn thành công, mô hình văn hóa doanh nghiệp phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, mô hình văn hóa FPT với đối tượng kinh doanh chủ yếu là mặt hàng công nghệ thông tin, phần đông người lao động là những chuyên viên, kỹ sư trình độ đại học sẽ có nhiều khác biệt với mô hình văn hóa Mai Linh với đối tượng kinh doanh là dịch vụ taxi, người lao động là những lái xe trình độ học vấn trung bình… Hay mô hình văn hóa Honda – một công ty Nhật Bản không thể giống với văn hóa Microsoft – một công ty Mỹ… Chỉ khi biết khai thác những thế mạnh trong văn hóa dân tộc và những nét đặc trưng  trong lĩnh vực kinh doanh thì văn hóa doanh nghiệp mới có thể thành công và trở thành nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp có nền văn hoá tích cực sẽ có không khí làm việc say mê, luôn đề cao sự chủ động sáng tạo. Ngược lại, những doanh nghiệp có nền văn hoá tiêu cực sẽ phổ biến sự bàng quang, thờ ơ và bất lực trước đội ngũ lao động của doanh nghiệp.


  • 11/08/2014 03:02
  • Thảo Nguyên
  • 2100


Gửi nhận xét