Ảnh minh họa.
|
Ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE ví von rằng, nếu như Windows là hệ điều hành của máy tính thì có thể xem thói quen chính là “hệ điều hành” của con người. Cụ thể là, nếu biết chọn những thói quen tốt và giàu tính nhân văn làm “hệ điều hành” để “cài đặt” cho bản thân và tổ chức của mình, chúng ta có thể biến cá nhân và tổ chức đó trở nên vượt trội hơn. Và những “thói quen thành công” đó có thể được hình thành bắt đầu bằng việc tự rèn luyện, tự học hỏi, tự mày mò phân tích bản thân, bàn bạc và chia sẻ.
Định nghĩa “thói quen” và tác dụng của nó trong môi trường công việc
Một thói quen là phản ứng tự nhiên không cần ra quyết định; mọi hành động diễn ra không cần suy nghĩ; sự lặp lại của các chỉ dẫn; làm cùng một công việc trong thời gian dài.
Cách nào để cá nhân và tổ chức nhận diện và thay đổi các thói quen xấu?
Trước hết, cần nhìn ra các “thói quen chủ chốt”, mở đường cho sự thay đổi. Ví dụ như khi tập thể dục là con người bắt đầu thay đổi các mẫu hành động không liên quan trước đó. Kết quả là họ nhẫn nại hơn với đồng nghiệp, làm việc tốt hơn và giảm căng thẳng.
Cách nào để người lãnh đạo củng cố được các thói quen tốt?
Người lãnh đạo sẽ chọn ra các thói quen quan trọng. Như một tổng giám đốc chọn ưu tiên cao nhất là sự an toàn. Khi cải thiện sự an toàn cho nhân viên thì mọi mặt khác của công ty cũng thay đổi. Như việc yêu cầu trưởng đơn vị báo cáo hằng ngày mọi sự cố về an toàn có gây thương tật.
Thói quen ảnh hưởng ra sao lên văn hóa tổ chức?
Có mối quan hệ rất lớn giữa thói quen của một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia và số phận của chủ thể đó. Xưa nay người ta vẫn hay nói “bản tính quyết định số phận”, nhưng “chính thói quen là cái làm nên bản tính”, ông Trung nhận xét. Vì vậy, những ai quan tâm đến số phận và muốn thay đổi số phận thì buộc phải quan tâm đến thói quen, và cần nhận ra đâu là những thói quen quan trọng nhất để giúp mình thành công, rồi từng bước thẩm thấu và biết cách hình thành những thói quen đó.
Chẳng hạn với mỗi cá nhân, thói quen xấu sẽ dẫn người đó tới kết cục xấu, và ngược lại, thói quen tốt sẽ tạo nên cuộc đời thành công bền vững. Tương tự, một nhà lãnh đạo muốn cải biến tổ chức của mình thì trước hết phải cải biến được con người trong tổ chức mình và những thói quen của họ. Nhiều người không thích cụm từ “cải biến thói quen”, vì có vẻ như nó hàm ý chê trách cái người ta hiện có là bảo thủ, cũ kỹ, sa vào lối mòn; trong khi những từ như “sáng tạo, đổi mới, năng động” nghe sẽ có vẻ tích cực hơn. Chưa kể là “non sông dễ đổi, bản tính khó dời” như ông bà ta vẫn thường nói.
Ở nhiều công ty lớn, nhân viên phải tự quyết định trong công việc. Nhưng thường nhân viên không quyết định mà làm theo thói quen. Từ đó, nhìn ra được các thói quen tương ứng với văn hóa của tổ chức và xác định được những thói quen nào mà tổ chức muốn khuyến khích nhân viên thể hiện.
Đâu là những thói quen chủ chốt của tổ chức?
Thói quen “đúng” phụ thuộc vào từng tổ chức. Thường bắt đầu từ giao tiếp chính thức, ví dụ chờ cấp trên quyết định, không phải do thói quen định đoạt. Giao tiếp không chính thức lại có liên quan đến thói quen. Chẳng hạn, khi gặp vấn đề, nhân viên có hỏi người bên cạnh, hoặc trao đổi ngay với phòng ban khác, hỏi sếp cũ, hoặc ai đó ở công ty khác không? Hãy nghĩ về thói quen giao tiếp và làm cho các thói quen ấy trở nên dễ dàng hơn khi nhân viên định hình cách làm việc.