Trách nhiệm xã hội - Yếu tố đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) là tham gia vào các chương trình trợ giúp các đối tượng xã hội như hỗ trợ người tàn tật, trẻ em mồ côi, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt thiên tai… Điều đó đúng nhưng chưa đủ, mặc dù các hoạt động xã hội là một phần quan trọng trong trách nhiệm của một doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, một doanh nghiệp phải dự đoán được và đo lường được những tác động về xã hội và môi trường hoạt động của doanh nghiệp và phát triển những chính sách làm giảm bớt những tác động tiêu cực. Đồng thời, trách nhiệm xã hội của DN còn là cam kết của DN đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, hợp tác cùng người lao động, gia đình họ, cộng đồng và xã hội nói chung để cải thiện chất lượng cuộc sống sao cho vừa tốt cho doanh nghiệp vừa ích lợi cho sự phát triển của xã hội.

Ảnh minh họa

Vì vậy, trách nhiệm xã hội liên quan đến mọi khía cạnh vận hành của một doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội bao gồm 4 thành tố: Kinh tế, pháp lý, đạo đức và lòng bác ái.

- Về khía cạnh kinh tế: Phải sản xuất hàng hóa, dịch vụ mà xã hội cần và mong muốn với một mức giá có thể duy trì doanh nghiệp và làm thỏa mãn nghĩa vụ của doanh nghiệp với các nhà đầu tư, đồng thời tìm kiếm nguồn cung ứng lao động, phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển sản phẩm; phân phối các nguồn sản xuất hàng hóa và dịch vụ như thế nào trong xã hội.

Trong khi thực hiện các công việc này, các doanh nghiệp góp phần làm tăng thêm phúc lợi cho xã hội, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của DN. Đối với người lao động, khía cạnh kinh tế của DN là tạo công ăn việc làm với mức thù lao xứng đáng, cơ hội việc làm, cơ hội phát triển nghề và chuyên môn, hưởng môi trường lao động an toàn, vệ sinh và đảm bảo quyền riêng tư, cá nhân ở nơi làm việc. Đối với người tiêu dùng, trách nhiệm kinh tế của DN là cung cấp hàng hóa, dịch vụ, các nội dung liên quan đến vấn đề chất lượng, an toàn sản phẩm, định giá, thông tin về sản phẩm (quảng cáo), phân phối, bán hàng và cạnh tranh. Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp, trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp là bảo tồn và phát triển các giá trị và tài sản được ủy thác. Những giá trị và tài sản này có thể là của xã hội hoặc cá nhân được họ tự nguyện giao phó cho tổ chức, doanh nghiệp – mà đại diện là người quản lý, điều hành – với những điều kiện ràng buộc chính thức.

- Về khía cạnh pháp lý: DN phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý chính thức đối với các bên hữu quan. Những điều luật như thế này sẽ điều tiết được cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng, an toàn, chống lại những hành vi sai trái. Các khía cạnh pháp lý được thể hiện trong luật dân sự và hình sự.

- Về khía cạnh đạo đức: Bao gồm những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở DN nhưng không được quy định trong hệ thống pháp luật, không được thể chế hóa thành luật. Khía cạnh đạo đức của một doanh nghiệp thường được thể hiện thông qua những nguyên tắc, giá trị đạo đức có trong sứ mệnh và chiến lược của DN.

- Khía cạnh nhân văn: Bao gồm những hành vi và hoạt động thể hiện những mong muốn đóng góp cho cộng đồng và xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, san sẻ bớt gánh nặng cho chính phủ, nâng cao năng lực lãnh đạo và phát triển khả năng làm việc, đạo đức kinh doanh của người lao động... Bằng việc thực thi trách nhiệm về khía cạnh nhân văn, các DN đóng góp nguồn lực về tài chính và nhân lực cho cộng đồng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Khía cạnh nhân văn và kinh tế của trách nhiệm xã hội có mối liên hệ mật thiết với nhau, bởi vì tổ chức càng làm được nhiều lợi nhuận bao nhiêu thì cơ hội họ đầu tư vào các hoạt động nhân đạo càng lớn bấy nhiêu.

Những lợi ích của DN khi triển khai trách nhiệm xã hội:

- Uy tín cạnh tranh của doanh nghiệp tăng lên

- Việc thực hiện pháp luật của người lao động tốt hơn.

- Đảm bảo và góp phần gìn giữ môi trường.

- Nâng cao quyền lợi và nhân phẩm của người lao động.

- Đảm bảo việc làm và tăng thu nhập.

- Đảm bảo an sinh xã hội.

- Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ của người lao động.

- Nâng cao sự trung thành của nhân viên với doanh nghiệp.

- Đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững

 


  • 16/09/2014 08:45
  • Nguyễn Thúy
  • 3809


Gửi nhận xét