Sức khoẻ, giấc ngủ trưa và văn hoá doanh nghiệp

Đối với nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt các DN tư nhân, sức khoẻ vẫn là chuyện riêng của mỗi cá nhân, người lao động phải tự chăm sóc, bảo đảm, duy trì. Điều đó có đúng không?

Ảnh minh họa.

Sức khoẻ - giá trị hàng đầu cuộc sống

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế. Như vậy, sức khoẻ hay mong ước có sức khoẻ tốt phải là sự tổng hợp, hài hoà của các loại sức khoẻ: (1) sức khoẻ thể chất, (2) sức khoẻ tinh thần, (3) sức khoẻ xã hội. Trong 3 loại sức khoẻ trên thì 2 loại sau khó nhận biết và khó đánh giá hơn.

Vì vậy, trước khi nói đến giá trị tư tưởng, tinh thần, DN cần có nơi làm việc an toàn, có môi trường hoạt động lành mạnh, tiệm cận với các tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp. Trước khi áp dụng các giá trị cốt lõi của VHDN, lãnh đạo cần cam kết thực hiện đúng Luật Lao động, Luật Bảo hiểm cho người lao động. Môi trường và điều kiện làm việc văn minh sẽ điều chỉnh và thúc đẩy cách giao tiếp, ứng xử văn hoá trong nội bộ doanh nghiệp và giữa các thành viên, DN với khách hàng, đối tác.

“Giấc ngủ trưa với người lao động cực kỳ quan trọng, giúp người lao động tỉnh táo sau thời gian làm việc căng thẳng liên tục. Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ các doanh nghiệp lớn đều thiết kế khu vực riêng cho nhân viên nghỉ trưa để nâng cao hiệu suất làm việc”  - Theo Bà Cao Thị Minh Hữu,  Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Điều kiện Lao động (Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ LĐTB&XH).

Sức khoẻ của người lao động và sức khoẻ DN có mối quan hệ hữu cơ, hỗ trợ lẫn nhau. Các hệ thống quản lý chất lượng như ISO, 5S, KAIZEN đều có mục tiêu giảm ô nhiễm, tạo sự ngăn nắp trong công việc,… góp phần nâng cao chất lượng lao động, bảo vệ sức khoẻ, tăng sức cạnh tranh của DN. Nhiều công ty lớn trên thế giới hoạt động hiệu quả như Google, Apple, Microsoft … đã tạo ra các trụ sở, văn phòng “đẹp như mơ” vì họ tin rằng nó thuộc về cấu trúc văn hoá vật thể của DN, là cái không chỉ bảo đảm sức khoẻ cho người lao động mà còn kích thích họ hoạt động sáng tạo, đổi mới và cống hiến tốt hơn.

Giấc ngủ trưa và Văn hoá doanh nghiệp

Đầu tháng 6 năm nay, Lãnh đạo Công ty FPT đã ban hành một quyết định gây tranh cãi "cấm cán bộ nhân viên Công ty nằm ngủ trong khu vực làm việc". Các phương tiện thông tin đại chúng ngay lập tức đã đăng tải các lý do cấm mà lãnh đạo DN này giải thích là: (1) nhằm xóa hình ảnh phản cảm, không đẹp trong mắt khách hàng và đối tác; (2) giúp đẩy nhanh toàn cầu hóa;  (3) vì ngủ trưa chỉ là một thói quen, bỏ đi không ảnh hưởng tới sức khoẻ; (4) theo gương Chủ tịch Tập đoàn FPT vì ông cũng không ngủ trưa…

Ở Việt Nam, tại một số công ty liên doanh với nước ngoài, đã chứng kiến cuộc đấu tranh giữa công nhân và giám đốc nhà máy vì lệnh cấm công nhân không được đi vệ sinh trong giờ làm việc vì sợ ảnh hưởng tới năng suất lao động. Lần này dư luận lo ngại “vì sự nghiệp toàn cầu hóa”, ở một số doanh nghiệp, đơn vị, văn phòng có thể cấm ngủ trưa?

Theo tôi, trước hết phải phân biệt lệnh “cấm ngủ trưa tại khu vực làm việc” khác với “cấm ngủ trưa”. Nếu ban hành lệnh cấm ngủ trưa trong ngày làm việc thì lãnh đạo DN đã phạm Luật Lao động và Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định, người lao động làm việc liên tục 8 tiếng phải được nghỉ 30 phút. Thời gian nghỉ 30 phút vẫn được coi là thời gian làm việc, những trường hợp đặc biệt như phụ nữ nuôi con bú dưới 12 tháng tuổi phải được nghỉ 60 phút. Trong thời gian nghỉ đó, người lao động đương nhiên có quyền ngủ trưa. Với lệnh “cấm ngủ trưa tại khu vực làm việc” những người có nhu cầu ngủ trưa buộc phải chọn giải pháp đối phó: Cố không ngủ trưa dù ảnh hưởng tới sức khoẻ hoặc ra khỏi khu vực làm việc để ngủ trưa rồi quay lại làm việc. Vậy họ sẽ phải đi đâu, về nhà, sang ngủ nhờ cơ quan khác, ra công viên, vào nhà nghỉ, khách sạn..? Theo cách nào kể trên thì đều mất an toàn, tốn kém, phiền hà và phức tạp.

Hầu hết các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe đều có chung quan điểm về ích lợi của giấc ngủ trưa đối với sức khoẻ người lao động, nhất là sức khoẻ tâm thần. Theo Bách khoa toàn thư, ngủ trưa “là một thói quen không thể thiếu ở các nước nhệt đới. Đó là cách giúp nhịp độ lao động thích nghi với điều kiện khí hậu và nhu cầu sinh lý, giấc ngủ trưa đặc biệt có lợi cho những người làm văn phòng, người lao động nặng nhọc 8 tiếng mỗi ngày, phụ nữ có thai và những người già. Một giấc ngủ trưa hợp lý và đúng cách sẽ đem lại rất nhiều ích lợi cho con người. Về mặt sinh học, khi làm việc liên tục không có lúc nghỉ thì cơ thể sẽ tích tụ mệt mỏi. Sự gắng sức không những làm tiêu hao sinh lực mà còn tạo ra nhiều chất cặn bã và chất độc làm tê liệt hệ thần kinh. Tác hại này chỉ có thể được giải trừ bằng một giấc ngủ đầy đủ. Trong một ngày, hoạt động trí não của con người thường giảm dần đến 13h và tăng trở lại vào khoảng 17h - 21h. Như vậy, giấc ngủ trưa (từ 10 đến 60 phút, tốt nhất là trong khoảng 20 - 30 phút) sẽ giúp con người thích ứng với nhịp độ sinh học tự nhiên.   

Thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết, khoảng 20% dân số thế giới bị căng thẳng quá mức trong công việc. Còn tại Việt Nam, theo nghiên cứu, tỷ lệ bình quân người bị stress trên cả nước là hơn 52%. Đặc biệt tại các khu công nghiệp, 71% công nhân có biểu hiện stress. Thời gian nghỉ trưa rất tốt để chống lại stress trong công việc và nâng cao hiệu quả công việc. Vậy thì, không được nghỉ, ngủ trưa (nói chung) sẽ có hại cho sức khoẻ của người lao động.  Tất nhiên, từ góc độ quản trị nguồn nhân lực hay quản trị DN, điều này cũng có hại cho năng lực cạnh tranh và “sự nghiệp toàn cầu hoá” của DN. Y học hay các các khoa học khác đều có sứ mệnh nghiên cứu bản chất của đối tượng và rút ra các kết luận chung, rất ít bị ảnh hưởng bởi một vài hiện tượng, đối tượng cá biệt, dù đó là người có quyền cao chức trọng.

Từ phương diện nhân văn và nhiệm vụ xây dựng VHDN thì lãnh đạo trước hết phải tôn trọng nhu cầu và thực hiện quyền được nghỉ trưa, ngủ trưa của nhân viên và nên coi đó là việc bảo vệ một giá trị của DN. Tất nhiên, ngủ trưa thiếu sự tổ chức, hướng dẫn tại công sở có thể gây ra hình ảnh lộn xộn, kém văn minh. Song chúng ta cần kiên quyết chống cách ứng xử quan liêu “không quản được thì cấm” đã gây ra rất nhiều tai hại.

Tôi không nghĩ một DN mạnh, có nhiều nhân tài như FPT lại không tìm ra được giải pháp hợp lý cho vấn đề này. Văn hoá doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc thấu hiểu và tận tình đáp ứng các nhu cầu chính đáng của người lao động. Cần đối xử với con người – với nhân viên, khách hàng, đối tác, cổ đông… một cách “thấu tình, đạt lý” hay nói cách khác, văn minh và tử tế hơn.


  • 25/09/2014 02:11
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN tháng 8/2014
  • 1927


Gửi nhận xét