Điểm khác biệt
Nếu trách nhiệm xã hội là những nghĩa vụ một doanh nghiệp hay cá nhân phải thực hiện đối với xã hội nhằm đạt được nhiều nhất những tác động tích cực và giảm tối thiểu các hoạt động tiêu cực đối với xã hội thì đạo đức kinh doanh lại bao gồm những quy định và các tiêu chuẩn chỉ đạo hành vi trong kinh doanh.
Trách nhiệm xã hội được xem như một cam kết với xã hội, trong khi đạo đức kinh doanh lại bao gồm các quy định rõ ràng về các phẩm chất đạo đức của tổ chức kinh doanh, mà chính những phẩm chất này sẽ chỉ đạo quá trình đưa ra quyết định của những tổ chức ấy.
Hình minh họa
|
Nếu đạo đức kinh doanh liên quan đến các nguyên tắc và quy định chỉ đạo những quyết định của cá nhân và tổ chức thì trách nhiệm xã hội quan tâm đến hậu quả của những quyết định của tổ chức tới xã hội. Nếu đạo đức kinh doanh thể hiện những mong muốn, kỳ vọng xuất phát từ bên trong thì trách nhiệm xã hội thể hiện những mong muốn, kỳ vọng xuất phát từ bên ngoài.
Mối quan hệ
Mặc dù vậy, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trên thực tế, đạo đức kinh doanh thẩm thấu vào tất cả các tầng bậc của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nó trở thành sức mạnh, nhân tố chi phối trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đạo đức kinh doanh đóng vai trò chi phối trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thể hiện qua ý thức đạo đức, sự thôi thúc nội tâm vươn lên cái thiện quy định các hành vi.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ở một chừng mức nhất định, là cái cần phải hướng tới khi tìm kiếm những chuẩn mực chung trong kinh doanh, là sự hiện thực hóa những yêu cầu luật pháp và đạo đức. Nó đáp ứng tính toàn cầu hóa của thế giới hiện đại và muốn đi đến những thỏa ước chung mang tính toàn cầu, ở đó hiện thực hóa những phẩm chất của đạo đức kinh doanh.
Xét về vai trò, chức năng, cả đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đều nhằm điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp theo hướng ngăn ngừa hành vi gây hậu quả với xã hội của cá nhân hay tổ chức trong kinh doanh, thông qua các quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ.
Đạo đức kinh doanh là sức mạnh trong trách nhiệm xã hội vì tính liêm chính và sự tuân thủ đạo đức của các tổ chức phải vượt xa cả sự tuân thủ các luật lệ và quy định. Trên thực tế, trách nhiệm xã hội góp phần vào sự tận tụy của nhân viên và sự trung thành của khách hàng – những mối quan tâm chủ yếu của bất cứ một doanh nghiệp nào để có thể tăng lợi nhuận. Chỉ khi các công ty có những mối quan tâm về đạo đức trong cơ sở và các chiến lược kinh doanh của mình thì trách nhiệm xã hội mới có thể có mặt trong quá trình đưa ra quyết định hàng ngày được.
Với tư cách là một nhân tố không thể tách rời của hệ thống kinh tế - xã hội, doanh nghiệp luôn phải tìm cách hài hòa lợi ích của các bên liên đới và đòi hỏi, mong muốn của xã hội. Khó khăn trong các quyết định quản lý không chỉ ở việc xác định các giá trị, lợi ích cần được tôn trọng, mà còn phải cân đối, hài hòa và chấp nhận hy sinh một phần lợi ích riêng hoặc lợi nhuận. Chính vì vậy, khi vận dụng đạo đức vào kinh doanh, cần có những quy tắc riêng, phương pháp riêng là đạo đức kinh doanh, và các trách nhiệm ở phạm vi và mức độ rộng lớn hơn trách nhiệm xã hội.