Phát huy được chữ "tâm" sẽ có được "tầm" của doanh nghiệp (ảnh minh họa)
|
Để "tâm" trở thành "tầm"
Mục tiêu của kinh doanh là lợi nhuận và càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ chú trọng vào lợi nhuận thì chưa chắc là đạt được nó, và sẽ có một cái nhìn ngắn hạn, thiếu một hướng đi bền vững, đôi khi có cả những hành động thiếu tính nhân văn. Người xưa có câu: "Muốn bắt, trước hết phải thả". Nếu doanh nghiệp đạt được mục tiêu về hiệu năng của cán bộ, mục tiêu thỏa mãn khách hàng, mục tiêu về đổi mới, mục tiêu về năng suất, mục tiêu về xã hội..., thì mặc nhiên không cần bàn, mục tiêu lợi nhuận cũng đạt được.
Lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thường thể hiện ở sản phẩm, công nghệ, phương thức quản lý... Những thứ đó đều do con người tạo nên và ngược lại, những thứ đó sẽ quay trở lại phục vụ con người. Thực chất của cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là cạnh tranh về con người. Doanh nghiệp nào nắm được tri thức kỹ thuật, biết sáng tạo, doanh nghiệp đó sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn nhất cho thị trường và khách hàng. Chính con người là yếu tố quyết định chiến thắng của doanh nghiệp. Nhưng nếu doanh nghiệp thiếu chữ "tâm" thì làm sao xây dựng được đội ngũ nhân sự vững chắc cho mình?
Một câu hỏi đặt ra: Người giỏi luôn được trải thảm, mời mọc, họ thừa khôn ngoan để chọn cho bản thân mình một người quản lý, một người chủ để phục vụ, thì tại sao họ không làm việc cho doanh nghiệp khác mà làm việc cho doanh nghiệp bạn? Họ phấn đấu hết sức mình cho bạn? Đem lại cho bạn những giá trị lớn như vậy? Câu trả lời là: Người quản lý phải có cái gì đó thu phục họ, làm cho họ muốn gắn bó và cống hiến.
Như vậy, việc sử dụng người lao động có tính tương tác hai chiều: Sử dụng và được sử dụng. Ngạn ngữ có câu: "Dùng người thì được người dùng". Dùng người phải kết hợp giữa "vật" và "tâm". Thiếu chữ tâm, là thiếu đi một vế quan trọng của việc dùng người, và đưa đến sự khập khiễng trong quản lý. Thiếu chữ "tâm", đội ngũ nhân sự chưa thể trở thành tài sản thật sự của doanh nghiệp. 500 công ty đứng đầu thế giới đều nhấn mạnh khẩu hiệu "lấy con người làm gốc - dùng điều kiện, đời sống của con người để phân tích và giải quyết mọi vấn đề liên quan tới con người". Trong văn hóa của những doanh nghiệp này, giá trị cốt lõi "lấy con người làm gốc", "phát triển toàn diện con người" đã trở thành một trong những từ ngữ có tần số xuất hiện cao nhất. Con người ở đây chính là: Cán bộ nhân viên, khách hàng, cộng đồng, xã hội.
Chữ "tâm" – nền tảng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu
Năm 1995, tại nhà máy sản xuất hàng cho hãng Nike ở tỉnh Đồng Nai xảy ra một vụ tai tiếng ngược đãi công nhân. Ngay sau đó, hãng truyền hình CBS có một chương trình gây chú ý ở Mỹ, Canada và trên thế giới. Sự việc này đã ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa thương hiệu Nike và người tiêu dùng. Nhiều người Mỹ, Canađa cảm thấy không thoải mái khi đôi giày họ đang đi được làm bởi những người công nhân bị đối xử không tốt, bị làm việc trong môi trường thiếu cơ sở vật chất hay không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Hàng ngàn lá thư của khách hàng gửi đến ông chủ hãng Nike với nội dung: "Nếu việc đối xử với công nhân ở những nhà máy sản xuất hàng cho ông không được cải thiện thì chúng tôi sẽ tẩy chay và kêu gọi mọi người tẩy chay hàng của ông".
Thương hiệu chính là tình cảm của khách hàng dành cho một công ty, một tổ chức, một sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Nó được xây dựng dựa trên 2 yếu tố chính: Chất lượng sản phẩm và những gì doanh nghiệp cam kết với khách hàng, cộng đồng. Sâu xa mà nói, cả hai yếu tố này sẽ không bao giờ bền vững nếu thiếu chữ "tâm". Thiếu chữ "tâm", doanh nghiệp sẽ khó có sản phẩm đạt được chất lượng như mong đợi, khó mà lay động trái tim của khách hàng. Hãng bảo hiểm State Farm (Mỹ) ra đời năm 1891 và chỉ 2 năm sau, hãng này phải bồi thường tai nạn cho khách hàng số tiền 3.500 đô la. Khi ấy tất cả vốn liếng của hãng chỉ có 2.100 đô la. Ông chủ hãng công khai nói rõ chuyện thiếu tiền đền bù và tuyên bố bán nhà cửa, tài sản để có đủ tiền trả cho khách hàng.
Sau khi đền bù, uy tín của hãng lên cao, khách hàng tìm đến càng nhiều. Khoảng năm 1992 - 1993 ở Florida liên tục xảy ra cuồng phong, gây thiệt hại lớn, State Farm không những đã chi gần 1,2 tỷ đô la để bồi thường mà còn bỏ thêm 800 triệu đô la để hỗ trợ khách hàng gia cố nhà cửa. Ngày nay, có đến 82% người dân ở miền Nam nước Mỹ mua bảo hiểm của State Farm và doanh số của hãng đã lên tới 21 tỷ đô la/năm.
Vào năm 1981, ở thành phố Chicago có một người bệnh tâm thần cho thuốc độc vào một số lọ thuốc trị nhức đầu nhãn hiệu Tylenol do J&J sản xuất và bày bán ở các quầy hàng bán thuốc trong siêu thị. Sự kiện trên làm thiệt mạng bốn người và cảnh sát không bắt được người tâm thần gây ra các án mạng trên. Mặc dù chỉ xảy ra ở Chicago và giới chức trách an ninh địa phương nghĩ rằng người rối loạn tâm thần trên chỉ cho thuốc độc vào một số lọ Tylenol đã bày bán ở siêu thị, ban lãnh đạo J&J sau khi hội ý với nhân viên vẫn cương quyết rút lại để kiểm định toàn bộ số thuốc Tylenol đã phân phối không chỉ ở Mỹ mà ở toàn thế giới, vì theo J&J, không có gì bảo đảm là người bị bệnh thần kinh trên chỉ bỏ thuốc độc vào các lọ Tylenol lúc đã bày bán, mà không bỏ vào lúc sản xuất hoặc trước khi được phân phối đi khắp nơi. Toàn bộ chi phí để thực hiện quyết định trên là 350 triệu USD. Số tiền mà J&J bỏ ra thực chất là đầu tư vào chữ "tâm" của doanh nghiệp, và là nền tảng để trở thành công ty hàng đầu thế giới hiện nay.
Doanh nghiệp có lúc thăng, lúc trầm. Nếu gặp khó khăn mà không nhất quán về chữ "tâm" thì doanh nghiệp rất khó để đi đến thành công.