Môi trường làm việc lý tưởng – điều nhân viên trông đợi

Một môi trường làm việc phù hợp sẽ giúp cho nhân viên làm việc có động lực, phát huy tối đa tính sáng tạo, từ đó nâng cao được hiệu suất lao động, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Tăng hiệu suất lao động cho nhân viên bằng cách tạo ra môi trường làm việc phù hợp (ảnh minh họa)

Vậy các cấp quản lý cần có những cách thức gì để tạo ra môi trường làm việc lý tưởng, phù hợp cho nhân viên?

Truyền động lực cho nhân viên

Tạo không khí tích cực giúp cho nhân viên có động lực làm việc, cũng như gắn kết với công ty là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên và nên được duy trì thường xuyên tại các công ty. Đây là nhiệm vụ khá khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, vì đôi khi sẽ không có những kết quả kinh doanh tốt để thuyết phục nhân viên. Tuy nhiên, họ sẽ vẫn có nhuệ khí làm việc khi tin vào năng lực của cấp quản lý và thấy một tầm nhìn hấp dẫn về tương lai tốt đẹp của công ty. Do đó, hãy truyền động lực cho nhân viên qua cách ứng xử công bằng, minh bạch và tôn trọng nhân viên. Đặc biệt là trong lúc khó khăn nhất, cũng đừng quên quan tâm đến quyền lợi của họ. Tất cả nên cụ thể hóa bằng việc nêu ra những tấm gương sáng trong công ty, về những kết quả kinh doanh đáng khích lệ, khối lượng công việc được hoàn thành vượt định mức, …

Chia sẻ minh bạch thông tin với nhân viên

Thông tin mập mờ, không rõ ràng cũng là một nguyên nhân khiến tinh thần làm việc của nhân viên hoang mang, sụt giảm. Lảng tránh vấn đề hay nói không hết sự thật chỉ làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Điều cần làm là, hãy chia sẻ cho họ những thông tin cần thiết, về những gì đang diễn ra trong công ty,  kể cả những thành công, lợi nhuận kiếm được cũng như kế hoạch triển khai bị thất bại, đặc biệt là những khó khăn mà công ty đang phải đối mặt và dự định của ban lãnh đạo cho những hướng triển khai sắp tới, kể cả vấn đề cần cắt giảm nhân sự (nếu có). Nhân viên càng biết nhiều về những gì đang diễn ra, họ càng mất ít thời vào việc suy đoán và lo lắng về những điều họ không biết. Nắm được thực tế hay những khó khăn của công ty, họ cũng xác định rõ vai trò vị trí của mình trong công việc để nỗ lực phấn đấu.

Hạn chế căng thẳng không cần thiết cho nhân viên

Lãnh đạo, đặc biệt là các cấp quản lý tầm trung, ngoài những áp lực về trách nhiệm với nhóm nhân viên, chắc chắn cũng sẽ trải qua những áp lực giống bất cứ một nhân viên nào. Nếu trả lời được câu hỏi: “Công ty đang có điều gì khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi và làm ảnh hưởng tới hiệu quả công việc?” chính là khi bạn đã biết nhân viên bị căng thẳng khi nào và vì những điều gì.

Họ có thể lo lắng về: Mức độ không khả thi của một kế hoạch, những trở ngại khi thực hiện công việc, lo lắng về định mức quá cao, thiếu thốn về thông tin và trang bị không đáp ứng được nhu cầu công việc, thậm chí, có lo lắng rất "cá nhân" như: Vì sao sếp thay đổi thái độ với mình?… Hãy tìm hiểu khó khăn của nhân viên, cảm thông và chia sẻ để loại bỏ những trở ngại không cần thiết. Làm được điều đó, bạn sẽ khiến nhân viên đạt tới đỉnh cao năng suất và hiệu quả công việc.

Đánh giá khách quan và chia sẻ những với thất bại của nhân viên

Một cuộc đấu thầu không thành công, kế hoạch kinh doanh kết thúc bị thua lỗ, một cuộc bảo vệ dự án thất bại… Nếu nhân viên gặp thất bại trong công việc mà không nhận được sự đánh giá khách quan và chia sẻ từ sếp, họ sẽ có một tâm trạng nặng nề. Tâm trạng này sẽ ảnh hưởng đến mọi công việc khác. Điều này tiếp diễn sẽ không chỉ ảnh hưởng tới sự nghiệp của nhân viên nói riêng mà còn cả năng suất, hiệu quả của công ty nói chung. Vì vậy, bên cạnh việc động viên nhân viên làm việc hết mình, một người quản lý cũng cần giúp đỡ khi họ gặp thất bại, giúp họ nhìn nhận lại vấn đề một cách khách quan, rút ra bài học kinh nghiệm và động viên họ tiếp tục phấn đấu.

Thấu hiểu cảm xúc của nhân viên

 “Con người là tổng hòa các mối quan hệ”, ngoài công việc nơi công sở họ còn có nhiều vấn đề, mối quan tâm cần giải quyết và cũng có thể gặp những chuyện không như ý, những điều làm họ tổn thương và vô hình chung nó sẽ "theo" họ đến nơi làm việc. Khi nhân viên có nỗi niềm tâm sự, nhưng không ai chú ý tới, họ sẽ mắc kẹt trong trạng thái cô độc. Họ cũng sẽ không lắng nghe hay quan tâm tới những điều bạn nói. Hãy cảm thông điều đó và nếu cố gắng hiểu được những trăn trở của nhân viên, kể cả trong công việc cũng như cuộc sống riêng, mối quan hệ giữa nhân viên và người quản lý sẽ ngày càng gắn bó, góp phần xây dựng môi trường làm việc hòa hợp, vững mạnh.

Ghi nhận thành công của nhân viên

Chúc mừng thành công của công ty và của cá nhân không chỉ tạo ra tiếng vang tích cực trong tập thể, mà còn tạo ra sự hưng phấn cho mỗi nhân viên khi được tôn vinh. Hành động này chắc chắn sẽ nuôi dưỡng thái độ làm việc nhiệt huyết hơn và tinh thần sẵn sàng đương đầu và vượt qua thách thức của nhân viên.
 


  • 29/12/2012 06:01
  • Thu Thủy
  • 5228


Gửi nhận xét