Văn hóa sáng tạo - xây dựng thế nào cho hiệu quả?

Xưa nay chúng ta hay nói với nhau cụm từ “cô ấy/anh ấy làm việc trong môi trường sáng tạo” để ám chỉ đặc thù công việc. Nhưng ở khía cạnh rộng hơn, không công việc nào không cần sự sáng tạo, có chăng là ít hay nhiều. Vậy, để xây dựng và thúc đẩy văn hóa sáng tạo trong môi trường doanh nghiệp cần làm gì?

Mọi ý tưởng mới của thành viên cần được khuyến khích và đón nhận (ảnh minh họa)

Thúc đẩy vai trò của của cấp quản lý tầm trung

Mặc dù chỉ một vài người có khả năng sáng tạo bẩm sinh, nhưng phần lớn mọi người đều có năng lực sáng tạo ở một vài cấp độ nào đó. Vì thế, một trưởng phòng hay trưởng nhóm xuất sắc cần biết tập hợp các thành viên trong phòng lại với nhau và khơi gợi các thành viên trong nhóm, những người có thể đưa ra các sáng kiến mới, những người không ngần ngại suy nghĩ theo phong cách mới, và những người có đủ kiên nhẫn để theo đuổi công việc cho đến khi hoàn thành… để có được một tập thể làm việc sáng tạo.

Tạo không khí giao tiếp cởi mở

Giao tiếp cởi mở là môi trường vô cùng cần thiết để có thể xuất hiện sự sáng tạo. Các nhân viên cần được thông tin, nhận thức rõ mọi khía cạnh của vấn đề, rồi trên cơ sở đó họ mới có những giải pháp sáng tạo nhất định. Hãy chia sẻ để mọi nhân viên đều hiểu tập thể đang làm gì và cố gắng đạt được điều gì, cũng như những mục tiêu và mong đợi của công ty là gì.

Đừng quá đề cao một cá nhân nào

Không nên có khuynh hướng thiên về một vài cá nhân ưu tú, xuất sắc trong công ty. Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng chỉ các nhân viên ưu tú mới có khả năng đề xuất những giải pháp sáng tạo. Bởi lẽ, trong một nhân viên bình thường luôn có những sáng kiện và sự sáng tạo nhất định trong giải quyết công việc. Có thể trong tình huống này họ không có ý tưởng, nhưng trong tình huống khác họ lại có phương án tốt. Tuy nhiên, những nhân viên bình thường ít chủ động trong việc đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới. Vì thế, họ cần được khơi gợi sáng tạo và thúc đẩy đúng lúc nhằm đóng góp hiệu quả cho công việc chung của công ty.

Các ý tưởng mới đều cần được đón nhận

Cấp quản lý và ngay cả các đồng nghiệp nên tránh chỉ trích hay chê bai khi ai đó đưa ra những ý tưởng không phù hợp. Thái độ không chào đón của mọi người xung quanh có thể dẫn đến tâm lý e ngại, không đưa ra ý tưởng mới vào những lần sau hoăc thái độ bất mãn, thậm chí tổn thương cho người đóng góp.

Hơn nữa, đôi khi phải sàng lọc trong nhiều những đề xuất tồi mới có được một ý tưởng tốt, hoặc chính trong ý tưởng tồi đó lại gợi ý tới một ý tưởng sáng tạo hoàn hảo. Và nếu trong một môi trường mà mọi người cảm thấy e ngại rằng những ý tưởng mới của họ sẽ bị nhạo báng, chê cười, hoặc không ai để ý đến sáng tạo của cá nhân họ, thì công ty sẽ không có được bất kỳ ý tưởng mới nào.

Tạo bối cảnh sáng tạo không theo quy tắc

Hãy chủ động tạo ra bối cảnh mới, với không gian, thời gian khác đi không theo một lịch trình đặc biệt nào cả, nhằm tạo ra “cú hích” cho mọi người. Hãy thúc giục mọi người suy nghĩ về các tình huống, viễn cảnh “giả sử như” hay “giá như”, để mọi người có thể xem xét xem liệu có thể biến các ý tưởng đó thành hiện thực không, các giải pháp có khả thi không. Cần tạo ra và nuôi dưỡng môi trường tự do suy nghĩ và chủ động giải quyết tình huống trong công ty.

Một doanh nghiệp khi thực sự quan tâm tới sự sáng tạo trong công ty, thường tập trung vào việc làm thế nào để nảy sinh nhiều ý tưởng mới. Tuy nhiên, mọi việc không chỉ dừng lại ở đó. Có rất nhiều ý tưởng tốt, đem lại hiệu quả cao và sự phát triển cho công ty. Do đó, điều quan trọng tiếp theo doanh nghiệp cần tập trung là tạo môi trường khuyến khích sự sáng tạo, đồng thời cần lựa chọn, động viên và hiện thực hóa những ý tưởng khả thi nhất, để tạo tiền đề cho những ý tưởng khác. Mặt khác, cần đảm bảo rằng các ý tưởng sáng tạo sẽ được bảo hộ bản quyền, cũng như công khai ghi nhận người đưa ra ý tưởng sáng kiến khi sử dụng vào các dự án, chương trình hay sản phẩm cụ thể.


  • 26/12/2012 03:26
  • Trùng Dương
  • 2497


Gửi nhận xét