Đồng phục là bộ mặt của công sở

Trang phục công sở là một tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng “công sở văn hóa” đúng nghĩa, tạo ra một diện mạo mới thân thiện, chuyên nghiệp hơn cho các cơ quan, công sở.

Đồng phục công sở - ảnh minh họa

Những năm gần đây, khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, người ta thường thấy xuất hiện trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ của cán bộ công chức ở các cơ quan đơn vị, đoàn thể,… bên cạnh các tiết mục văn nghệ thường đi kèm phần thi “Thời trang công sở”. Đó là một nét mới trong hoạt động văn hóa của môi trường công sở, góp phần nâng cao sự phong phú đời sống tinh thần của công chức và người lao động.

Hiện nay, ở một số cơ quan, doanh nghiệp, đã thấy xuất hiện những bộ đồng phục khá bắt mắt, đặc trưng cho mỗi ngành, cơ quan. Ngoài việc để mọi người dễ nhận biết đó là người của cơ quan, ngành nào, trang phục còn thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp và cả nét đẹp công sở. Kiểu dáng, màu sắc, độ dài và sự vừa vặn của trang phục phần nào "nói" lên khả năng làm việc của người sở hữu nó. Bộ trang phục đẹp giúp công chức trở nên chuyên nghiệp hơn, chứ không phải đơn thuần để trở nên xinh xắn hay hợp mốt, sành điệu. Một bộ trang phục không phù hợp có thể sẽ làm hỏng vẻ chuyên nghiệp của người công chức…

Bên cạnh đó, vẫn còn không ít cơ quan, khi bước vào, người ta thấy ngay sự lộn xộn trong cách ăn mặc mà có thể nói là sự “đa sắc màu” về trang phục của cán bộ công chức. Đây đó vẫn thấy xuất hiện sự tùy tiện, thậm chí là cẩu thả của một số công chức, mà không ít người trong đó hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều đối tác. Có cảm tưởng như những người này “quên” nhìn lại bản thân mình. Thật phản cảm khi chứng kiến những nữ công chức quần ống thấp ống cao, tóc tai buộc một cách cẩu thả, trông có vẻ như rất tất tả với công việc. Có người thì guốc dép lẹt quẹt đi vang cả hành lang, trang phục đã lôi thôi, cách đi đứng cũng không được đẹp cho lắm. Đó là chưa kể một số người lại ăn mặc lòe loẹt, quá cách điệu, không phù hợp với môi trường làm việc. 
 
Khi đề cập việc xây dựng “Văn hóa công sở” thì cũng nên quan tâm đến trang phục của người lao động, không nhất thiết phải là những bộ trang phục đắt tiền, tốn kém nhưng phải nghiêm túc, lịch sự. Chính bộ đồng phục mặc trên người cũng là yếu tố giúp cho người công chức tự tin hơn trong công việc. Có thể nói, trang phục công sở cũng là một tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng “công sở văn hóa” đúng nghĩa, tạo ra một diện mạo mới thân thiện, chuyên nghiệp hơn cho các cơ quan, công sở.


  • 16/10/2012 03:30
  • Theo Báo Quảng Nam
  • 4226


Gửi nhận xét